Vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Khiêm

Tôi đến thì nhạc sĩ Lê Khiêm vừa đi xa. Nhìn gương mặt hiền từ nhưng thật nghiêm nghị của ông trong di ảnh, tôi nhớ một thời đã sống và làm việc với ông dưới mái nhà Cục Chính trị Quân khu 7.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Khiêm

Tôi đến thì nhạc sĩ Lê Khiêm vừa đi xa. Nhìn gương mặt hiền từ nhưng thật nghiêm nghị của ông trong di ảnh, tôi nhớ một thời đã sống và làm việc với ông dưới mái nhà Cục Chính trị Quân khu 7.

Nhạc sĩ Lê Khiêm

Nhạc sĩ Lê Khiêm

Ngày ấy cách đây đã gần 40 năm. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ Sư đoàn 5, tôi được điều về làm báo Quân khu 7. Buổi sáng ấy học chính trị, giờ giải lao, một người đàn ông có mái tóc thật nghệ sĩ, mang quân hàm thiếu tá đến bắt tay tôi. Trần Thế Tuyển phải không? Đúng là văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, đọc ông trên báo hoài nay mới gặp. Một thoáng bỡ ngỡ và xúc động. Người sĩ quan cấp tá có ánh nhìn ấm áp ấy tự giới thiệu: Mình là Lê Khiêm. Tôi reo lên: Nhạc sĩ Lê Khiêm, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Nhạc sĩ Lê Khiêm siết chặt tay tôi một lần nữa. Nghe tiếng ông đã lâu, thưởng thức các tác phẩm của ông đã lâu, tôi không nghĩ ông lại già dặn, chững chạc đến thế.

Từ ngày ấy, chúng tôi thường xuyên liên hệ với nhau. Mỗi khi có tác phẩm mới, ông thường báo cho tôi biết để đến dự đêm công diễn. Ngược lại, mỗi khi viết được bài thơ nào tâm đắc, tôi cũng gửi cho ông. Tuy cách nhau một thế hệ, nhưng nhạc sĩ Lê Khiêm luôn tôn trọng cánh lính trẻ chúng tôi. Ông hàn huyên, tâm sự như những người bạn cùng trang lứa. Tôi nhớ, có lần nhạc sĩ Lê Khiêm gọi điện cho tôi nói rằng, ông rất thích bài thơ Hương trầu của tôi vừa đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số chủ nhật. Ông cho biết, đêm qua ông vừa phổ nhạc xong bài thơ này và muốn hát cho tôi nghe. Khi gặp, ông say sưa hát. Tôi cảm giác những câu chữ trong bài thơ của tôi có cánh bay lên, cả vùng trời An Phú Đông - Thạnh Lộc, nơi tôi đã gặp các bà má miền Nam như thế. Ươm ươm cái nắng mùa thu/Say say cái vị gió mưa của trầu/Con về chẳng thấy mẹ đâu/Vườn xưa nay đã đổi màu thời gian/…

Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia xảy ra, chúng tôi ít gặp nhau, nhưng thường xuyên bám sát nhau trên từng chặng đường công tác. Nhạc sĩ Lê Khiêm đã phổ nhạc trên 10 bài thơ của tôi. Nhiều bài đã được đoàn Văn công Quân khu 7, một số đoàn nghệ thuật của quân đội, TPHCM dàn dựng và biểu diễn.

Thời gian trôi qua, các cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng bây giờ hát lại những ca khúc ấy, những người trong cuộc như sống lại một thời sôi nổi, khốc liệt mà rất đáng trân trọng, tự hào. Đó là các ca khúc: Khi nghĩ về Tổ quốc, Những dấu chân, Đêm trăng, Bến cảng nhớ Bác… Sau này, khi NXB Văn Nghệ và Hội Nhà văn TPHCM xuất bản tập thơ phổ nhạc Tuổi thơ tôi của tôi, nhạc sĩ Lê Khiêm đã viết: Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi với Trần Thế Tuyển cùng hoạt động trên một chiến trường. Anh ở Sư đoàn 5 trực tiếp chiến đấu, còn tôi ở Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Đất nước thống nhất, chúng tôi lại có duyên cùng công tác với nhau. Qua báo Quân khu 7, báo QĐND, báo SGGP và nhiều sách báo khác, tôi thường xuyên đọc thơ Trần Thế Tuyển. Những bài thơ giàu cảm xúc, đậm tình người của Trần Thế Tuyển đã làm tôi rung động và bật thành bài hát…

Tôi nhìn thật lâu vào đôi mắt ấm áp trong di ảnh đặt trên linh cữu của ông mà không sao cầm được nước mắt. Cuộc đời mỗi người lính đều trải qua những thăng trầm. Tôi nghĩ, cuộc đời của nhạc sĩ Lê Khiêm còn hơn thế nữa. Khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời thì ông đã vào học tại Trường Lục quân miền Tây Nam bộ - một trường quân chính đặc biệt. Ra trường về làm tiểu đội trưởng đội Võ trang tuyên truyền Tỉnh đội Long Châu Hà, rồi ông chuyển sang trực tiếp chỉ huy khẩu đội hỏa lực Bazoka, đại liên thuộc Trung đoàn 2 miền Tây. Khi tập kết ra Bắc, nhờ có năng khiếu nghệ thuật, ông được giao làm Đội phó đội nhạc của Đoàn Văn công Sư đoàn 330. Đang học Trường Âm nhạc Hà Nội, ông được cử vào làm Đoàn phó Đoàn Văn công Bộ đội Trường Sơn.

Năm 1973, sau khi hoàn thành khóa nghiên cứu sinh âm nhạc ở Liên Xô (cũ), ông được điều vào làm Phó đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (B2). Rồi cứ thế, ông gắn bó với Quân khu 7, TPHCM cho đến lúc tàn hơi. Cuộc đời làm nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Khiêm gắn liền với sự trưởng thành của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam, trước đây và nay là Đoàn Văn công Quân khu 7. Đó là chiếc nôi đào tạo ra những nghệ sĩ nổi tiếng cho đất nước, cho quân đội như các cố nhạc sĩ: Xuân Hồng, Trí Thanh, các nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành, Kim Khánh, Thanh Thúy…

Như con đò âm thầm tháng năm đưa người sang sông, dưới sự dìu dắt của ông đã có biết bao thế hệ học trò thành danh, còn ông vẫn đúng như tên gọi một nhạc sĩ họ Lê luôn khiêm nhường, âm thầm vun đắp cho người khác. Ông đã viết trên 100 ca khúc về đề tài người lính Cụ Hồ và 50 tác phẩm thơ giao hưởng, tổ khúc giao hưởng cho múa, concerto. Xin vĩnh biệt Anh - người đồng chí, người anh, người đã chắp cánh cho những vần thơ mộc mạc, đầy chất lính của tôi bay lên.

Đêm 29-3-2013. 
TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục