Phía sau thảm họa dịch thuật

Giải “Trái cóc xanh” năm 2012 trao cho dịch giả Cao Việt Dũng vì những lỗi sai trầm trọng trong dịch thuật. Đây không phải lần đầu tiên, năm 2005, dịch giả Đỗ Thu Hà cũng đã bị nhận giải này với bản dịch cuốn sách Mật mã Da Vinci. Thế nhưng, một cuốn sách ra đời không chỉ có người dịch mà quan trọng không kém là biên tập viên. Họ đã ở đâu khi những “thảm họa” xảy ra?
Phía sau thảm họa dịch thuật

Giải “Trái cóc xanh” năm 2012 trao cho dịch giả Cao Việt Dũng vì những lỗi sai trầm trọng trong dịch thuật. Đây không phải lần đầu tiên, năm 2005, dịch giả Đỗ Thu Hà cũng đã bị nhận giải này với bản dịch cuốn sách Mật mã Da Vinci. Thế nhưng, một cuốn sách ra đời không chỉ có người dịch mà quan trọng không kém là biên tập viên. Họ đã ở đâu khi những “thảm họa” xảy ra?

  • Người không thấy bóng

Khi nhắc tới cả hai thảm họa dịch thuật từng được trao “Trái cóc xanh” người ta không thể quên những câu dịch gây bàng hoàng người đọc. Như trong Mật mã Da Vinci có đoạn dịch giả đã dịch: “Đền thờ tôn vinh Baphomet bằng cách đi vòng quanh mô hình cái đầu bằng đá của ông ta và hát kinh cầu nguyện…” đền thờ biết đi, biết hát!? Còn dịch giả Cao Việt Dũng thì lại có câu dịch nổi tiếng trong tác phẩm Hạt cơ bản: “Bố tôi chết vì bị ung thư… tử cung”!? (nguyên văn là ung thư ruột).

Những lỗi này được nhắc đến vì đó là sai sót hiển nhiên, ai cũng thấy, cũng hiểu. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà có một điều khó hiểu được nêu ra, có thể dịch giả vì một lý do nào đó mà không xem lại, không để ý hoặc không biết mình đã sai sót. Thế nhưng, một tác phẩm đến tay bạn đọc còn phải qua nhiều khâu khác thuộc quy trình xuất bản, trong đó có khâu biên tập, nơi lẽ ra tác phẩm phải được kiểm tra, chỉnh sửa trước khi hoàn tất bản thảo đưa đi in. Những lỗi như kể trên thì không cần phải một biên tập viên (BTV) xuất sắc, chỉ cần là một người đọc bình thường cũng có thể phát hiện ra. Ấy vậy mà bạn đọc ai cũng có thể nhớ và chê bai một Đỗ Thu Hà, Cao Việt Dũng nhưng e rằng chẳng ai nhớ người chịu trách nhiệm biên tập của những “thảm họa dịch thuật” đó là ai.

Vai trò của dịch giả đang được nhấn mạnh nhưng vai trò của biên tập viên lại vẫn rất mờ nhạt.

Vai trò của dịch giả đang được nhấn mạnh nhưng vai trò của biên tập viên lại vẫn rất mờ nhạt.

Để thành lập NXB, theo quy định phải có ít nhất 5 BTV, tiêu chuẩn và trách nhiệm của BTV cũng được nêu ra cụ thể (điều 18 Luật Xuất bản sửa đổi). Thế nhưng trên thực tế, tại hội nghị tổng kết ngành xuất bản năm nào cũng vậy, nhắc đến BTV, giám đốc các NXB lại thở ngắn than dài rằng hiện đội ngũ BTV các NXB, nhất là những đơn vị nhỏ, ở các tỉnh hiện “vừa thiếu, vừa yếu”, thậm chí có nơi còn không có cả BTV.

  • Không danh, ít lợi…

Phục hồi ý nghĩa “biên dịch” 

Một thời gian dài, nhất là sau Công ước Berne, người ta hay lợi dụng hai chữ “biên dịch” để thực hiện nhiều đầu sách không bản quyền. Sự lạm dụng này nhiều đến nỗi cứ thấy biên dịch là bạn đọc lại nghĩ đến sách “xào lại”. Trên thực tế, biên dịch là một công việc nghiêm túc gắn liên với việc biên tập và hiệu chỉnh sao cho tác phẩm hoàn hảo nhất có thể trước khi đến tay bạn đọc. Hiện nay, từ biên dịch đang dần xuất hiện lại ở nhiều tác phẩm với đúng nghĩa thật sự của nó.

Nhiều người cho rằng, BTV chỉ làm nhiệm vụ chỉnh sửa nội dung bản thảo. Tuy nhiên, thực tế công việc thực sự của BTV còn phức tạp hơn rất nhiều. Do dịch giả không phải lúc nào cũng là người am hiểu chuyên sâu vấn đề được dịch, trong khi người chuyên sâu lại có khi không thể dịch mà chỉ có thể hiệu đính nên BTV phải đảm nhiệm vai trò trung gian, kết nối giữa 2 người nhằm đảm bảo tính chính xác của bản dịch.

Có thể lấy ví dụ cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton, trong sách có rất nhiều tên các cơ quan của chính phủ Mỹ, có cơ quan mang tính đặc thù đến mức người dịch “đọc mặt chữ thì biết nhưng chẳng hiểu nghĩa là gì”. Và lúc đó, BTV phải cất công tìm người am hiểu là thành viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để nhờ hiệu đính. Rồi các trường hợp ngoài bản thảo như các câu thành ngữ, tục ngữ đòi hỏi người biên tập phải chuyển đổi sao cho phù hợp, chính xác, thậm chí đôi khi lượng thông tin cung cấp sau khi biên tập còn nhiều hơn sách gốc để bạn đọc dễ hiểu, dễ đọc.

Để trở thành một BTV như trên không phải chuyện đơn giản, chị Dương Ngọc Hân, Trưởng phòng biên tập Công ty Văn hóa Trí Việt (First News) nêu ra 3 tiêu chuẩn cơ bản của một BTV giỏi. Đầu tiên là có nền kiến thức vững vàng, tiếp theo là có lòng yêu nghề và cuối cùng là một tinh thần làm việc khoa học, biết nghi ngờ, phản biện.

Tiêu chuẩn cao, công việc vất vả trong khi đó đãi ngộ đối với BTV lại khá thấp. Về mặt vật chất thì thu nhập của BTV thuộc loại thấp, ngay cả ở những đơn vị tư nhân, thu nhập trung bình của BTV cũng chỉ ở mức 4-5 triệu đồng/tháng, đơn vị nhà nước còn thấp hơn, nhất là trường hợp BTV trẻ. Còn về tên tuổi thì dù theo quy định sách phải in tên người biên tập nhưng chẳng mấy khi có ai để ý đến họ. Thu nhập thấp, danh vọng kém, chẳng có gì lạ khi vị trí BTV ngày càng trở nên khó tìm được người có năng lực thực sự đảm đương.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền (thứ ba từ trái sang) trong buổi giao lưu với bạn đọc về tác phẩm do mình biên tập.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền (thứ ba từ trái sang) trong buổi giao lưu với bạn đọc về tác phẩm do mình biên tập.

  • “Bà đỡ” cho các tác phẩm

Sau những thảm họa, vai trò của BTV đang ngày càng được chú trọng hơn. Ở First News, các đầu sách hay, đòi hỏi nhiều nỗ lực của BTV thì tên của BTV còn được xếp chung với tên của dịch giả ngay trang đầu của sách. Tên được ghi ở đây không chỉ là danh tiếng mà còn là trách nhiệm gắn liền với tác phẩm.

Khác với nhiều ngành nghề khác, cũng theo chị Ngọc Hân, công việc biên tập không phải là việc có thể đào tạo theo kiểu chương trình. Mỗi tác phẩm, mỗi cuốn sách có những vấn đề riêng của nó. Chính vì thế BTV thường nhận được sự đào tạo từ nội bộ, từ các thế hệ BTV đi trước.

Thế nhưng, đây cũng là một vấn đề đau đầu ở các NXB hiện nay khi mà thế hệ BTV tài giỏi, nhiều kinh nghiệm đang dần rời xa các NXB. Người thì bỏ nghề, chọn một công việc khác tốt hơn, người thì ra làm biên tập cho các công ty tư nhân với chế độ đãi ngộ cao hơn. Khoảng trống họ để lại thế hệ nối tiếp không cách nào bù đắp nổi, sách nhiều lỗi, thậm chí cả lỗi ngô nghê, câu văn què cụt… trong đó đặc biệt là khả năng thẩm định tác phẩm hầu như không có, để lọt ra thị trường những tác phẩm xấu, thô thiển.

Làm sao để có đội ngũ BTV giỏi, thực sự trở thành “bà đỡ” mát tay cho các tác phẩm không thể chỉ là chuyện vài quy định trong luật. Trên hết, nó đòi hỏi sự quan tâm thật sự của các đơn vị xuất bản, đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc cởi mở sẽ là tiền đề để xây dựng đội ngũ BTV giỏi, những người sẽ “gác cửa” tránh tái diễn những thảm họa dịch thuật, thảm họa xuất bản như vừa qua. 

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục