Lặng lẽ sân khấu kịch sinh viên - học sinh

Lặng lẽ sân khấu kịch sinh viên - học sinh

Thời của mạng xã hội, giới trẻ, sinh viên - học sinh được tiếp cận nhiều loại hình văn hóa giải trí đa dạng. Nhưng bên cạnh những thông tin giải trí lành mạnh còn có không ít những loại hình giải trí vô bổ và một bộ phận công chúng trẻ vẫn chưa biết cách tự sàng lọc, chọn lựa món ăn tinh thần sao cho an toàn, phù hợp với lứa tuổi. Vì thế, việc phát huy vai trò các câu lạc bộ kịch nói sinh viên - học sinh trong trường học là rất cần thiết, tạo nên sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, có định hướng, giúp nâng cao nhận thức thẩm mỹ công chúng trẻ.

  1. Eo sèo phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng

Nhiều năm qua, hoạt động của các CLB kịch nói sinh viên - học sinh tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (TCCN) khá lặng lẽ. Do mang tính chất văn nghệ quần chúng nên loại hình này cũng phụ thuộc nhiều vào xu thế chung của thời đại.

CLB kịch nói Gia Định biểu diễn tiểu phẩm Cấp cứu. Ảnh: THÚY BÌNH

CLB kịch nói Gia Định biểu diễn tiểu phẩm Cấp cứu. Ảnh: THÚY BÌNH

Hơn 10 năm trước, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại TPHCM hoạt động rầm rộ, sôi nổi, thu hút đông đảo các bạn trẻ, đã góp phần tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ sôi động tại các quận, huyện. Nhiều nhân tố trẻ có năng khiếu nghệ thuật đã hào hứng tham gia và được phát hiện từ những hoạt động này. Nhiều CLB, đội nhóm sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại từng địa phương, ở các trường học, cùng hàng loạt đợt liên hoan, hội diễn, chương trình giao lưu biểu diễn ca, múa, kịch nói, tiểu phẩm tuyên truyền, đờn ca tài tử, cải lương… tạo nên một môi trường sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lành mạnh, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân từng địa phương, từ khu vực trung tâm thành phố đến các huyện - xã vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, sau giai đoạn cao trào của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, hoạt động sinh hoạt của các CLB, đội nhóm dần nhạt nhòa bởi sự phát triển và lấn át mạnh mẽ các loại hình giải trí mới: trò chơi điện tử, các chương trình truyền hình, hàng loạt chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp…

Loại hình CLB kịch nói sinh viên - học sinh thoái trào cũng không nằm ngoài quy luật chung: ít được quan tâm, thiếu sự đầu tư, nội dung sinh hoạt, biểu diễn chưa thật hấp dẫn để có thể thu hút được những bạn trẻ có năng khiếu tham gia. Những nguyên nhân rất cơ bản này khiến các CLB, đội nhóm văn nghệ sinh viên - học sinh chưa thể phát huy hết chất lượng, sức mạnh vốn có.

        Cần đầu tư, nâng chất

Tại buổi tọa đàm về sự cần thiết đưa CLB sân khấu kịch nói vào các trường học tại TPHCM (do Trung tâm Văn hóa TPHCM và Nhà Văn hóa Sinh viên tổ chức), NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Thanh Hoàng và nghệ sĩ Lê Bình đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm nghề nghiệp với hơn 10 đội nhóm, CLB kịch nói các trường đại học, cao đẳng, TCCN. Các bạn trẻ yêu thích loại hình sân khấu kịch đã cùng đưa ra những thắc mắc, tâm tư, sự quan tâm và những khó khăn trong việc tổ chức, duy trì hoạt động và phát triển các CLB đội nhóm kịch sinh viên - học sinh hiện nay. Hàng loạt câu hỏi và vấn đề đã được đặt ra: Làm sao tìm được sự ủng hộ của nhà trường? Đi tìm nguồn kinh phí hoạt động, kịch bản sân khấu ở đâu? Làm gì để quy tụ được các bạn trẻ có năng khiếu tham gia, thể hiện được hấp dẫn những đề tài nóng về cuộc sống của sinh viên ngày nay, thu hút được sự quan tâm của khán giả sinh viên - học sinh?

NSƯT Thanh Hoàng cho rằng: “Trong hoạt động của các CLB, đội nhóm kịch sinh viên - học sinh, kinh phí chỉ là một phần, quan trọng nhất chính là tình yêu, sự hy sinh vì niềm đam mê nghệ thuật của các bạn trẻ dành cho loại hình kịch nói. Nếu cần giúp đỡ về chuyên môn, các bạn trẻ có thể gõ cửa các đơn vị chuyên nghiệp để nhờ hỗ trợ. Chúng tôi sẽ luôn mở cửa đón nhận sự nhiệt tình, yêu nghệ thuật của các bạn. Khi đó, trong điều kiện cho phép, chúng tôi có thể tổ chức những lớp tập huấn ngắn hạn về viết kịch bản, hay diễn xuất…”.

NSƯT Trần Minh Ngọc cũng khẳng định việc đưa sân khấu kịch vào trường học là một việc làm nhiều lợi ích: có thêm một lực lượng khán giả trẻ cho sân khấu kịch nói, các CLB từng bước hoạt động và phát triển ngày càng chuyên nghiệp (hầu hết thế hệ vàng những diễn viên, nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu kịch hiện nay đều xuất thân từ hoạt động ở các CLB, đội nhóm kịch nói quần chúng), nhằm thỏa mãn nỗi khát khao và đam mê nghệ thuật biểu diễn của nhiều bạn trẻ, đồng thời nâng kiến thức, thẩm mỹ thưởng lãm nghệ thuật cho khán giả trẻ.

Vậy nên, đưa loại hình sân khấu kịch nói vào các trường học là một trong những phương thức giúp làm tươi mới đời sống văn hóa tinh thần cho giới trẻ, sinh viên - học sinh, góp phần nâng cao quan điểm tư duy, thẩm mỹ nghệ thuật, đồng thời là bước quan trọng trong việc xây dựng và đào tạo một đội ngũ công chúng trẻ TP… là việc làm thiết thực cần được sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa từ các đơn vị quản lý có trách nhiệm chăm lo và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho sinh viên - học sinh.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục