Nhà giáo nhân dân - PGS Hoàng Cương: Người viết khí nhạc Việt Nam

Khán phòng Nhà hát Thành phố đông kín người dự đêm bế mạc Festival Piano quốc tế 2013 do Nhạc viện TPHCM tổ chức. Khi 2 nghệ sĩ piano Thùy Yên và Anh Vũ kết thúc phần biểu diễn tác phẩm Vũ điệu đêm rằm của NGND-PGS Hoàng Cương (ảnh), khán phòng lặng đi trong cảm xúc sâu lắng... rồi những tràng pháo tay kéo dài thể hiện sự ngưỡng mộ tác giả bản nhạc và tài năng của 2 nghệ sĩ trình tấu.
Nhà giáo nhân dân - PGS Hoàng Cương: Người viết khí nhạc Việt Nam

Khán phòng Nhà hát Thành phố đông kín người dự đêm bế mạc Festival Piano quốc tế 2013 do Nhạc viện TPHCM tổ chức. Khi 2 nghệ sĩ piano Thùy Yên và Anh Vũ kết thúc phần biểu diễn tác phẩm Vũ điệu đêm rằm của NGND-PGS Hoàng Cương (ảnh), khán phòng lặng đi trong cảm xúc sâu lắng... rồi những tràng pháo tay kéo dài thể hiện sự ngưỡng mộ tác giả bản nhạc và tài năng của 2 nghệ sĩ trình tấu.

        Sáng tạo không ngừng

Năm 2011, dự Festival Piano lần thứ nhất TPHCM, sau khi nghe tác phẩm của nhà soạn nhạc Arutunian (Armenia) mang âm hưởng dân gian Armenia, NS Hoàng Cương nảy ra ý định viết bản nhạc mang tính dân gian Việt Nam. Vũ điệu đêm rằm ra đời, lấy cảm hứng từ dân ca Bắc bộ và chèo, lúc độc lập, lúc đan xen vào nhau qua tính năng âm vực rộng của 2 đàn piano, âm hưởng hòa quyện một cách tài tình, hoành tráng như của cả dàn nhạc, đẩy được cảm xúc người nghe lên đỉnh điểm, đưa sức đồng cảm giữa nghệ sĩ - người thưởng thức dâng trào mạnh mẽ. Một bức tranh dân gian bằng âm thanh qua nhạc cụ hiện đại là cây đàn piano phương Tây nhưng hàm chứa, chuyển tải thành công nét dịu dàng tinh tế của dân ca Việt Nam, giúp người nghe thả hồn về cội nguồn, được sống với những gì thân quen, quấn quýt nhất trong hồn dân tộc.

Nhiều năm là Giám đốc Nhạc viện TPHCM, vừa làm công tác quản lý vừa giảng dạy và dù rất bận rộn, nhạc sĩ Hoàng Cương vẫn sáng tác đều đặn. Ông am hiểu sâu sắc nền văn hóa phương Tây, sử dụng thành thạo ngôn ngữ Đức - Nga - Anh. Khả năng nghiên cứu văn hóa thế giới đa dạng không chỉ giúp ông có tư duy sâu rộng, am tường trong sáng tác khí nhạc mà còn giúp ông đảm đương công tác quản lý giáo dục nghệ thuật, làm tốt việc đào tạo nghệ sĩ cho nước nhà.

Vào dịp hè hàng năm, ông dành thời gian tìm hiểu nghiên cứu văn hóa dân gian. Những tác phẩm khí nhạc đa dạng của nhạc sĩ Hoàng Cương như Mùa xuân thế kỷ, Thác đổ, Múa nàng trúc xinh... mang nét duyên của quan họ Bắc Ninh, chèo; Múa cồng đâm trâu lại mang âm hưởng Tây Nguyên. Cũng có tác phẩm mang âm điệu dân ca nước ngoài như Vũ điệu thần gió trên đỉnh Phú Sĩ mang âm hưởng dân ca Nhật Bản. Nghỉ hưu từ năm 2006 nhưng sức sáng tạo của ông vẫn dồi dào.

        Hạnh phúc đong đầy

Nhạc sĩ Hoàng Cương quê gốc Huế, tỏ rõ năng khiếu âm nhạc từ bé. Ông học đàn violon năm 12 tuổi. Sau đó, ông được gửi ra thủ đô Hà Nội, may mắn được tuyển đi Nhạc viện Carl Maria von Weber - Dresden (CHDC Đức) học âm nhạc trên mảnh đất lừng danh thế giới của nền âm nhạc hàn lâm. Trở về Việt Nam, ông tiếp tục học tập và giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Đến năm 1966, Hoàng Cương được cử học đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky, rồi cao học tại Nhạc viện Warszawa - Ba Lan. Sau nhiều năm được đào tạo bài bản, Hoàng Cương về nước giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau đó chuyển về phía Nam, giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM.

Những học trò khóa đầu tiên tại trường âm nhạc ở Ô Chợ Dừa của thầy Cương ngày ấy, đến nay vẫn là những tên tuổi xuất sắc trong nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam: nghệ sĩ violon Khắc Hoan, nghệ sĩ violon Bùi Công Thành... Nhiều thế hệ nghệ sĩ học tại Nhạc viện TPHCM đã thành danh dưới sự rèn dũa, đào tạo của thầy Hoàng Cương. Năm 1997, nhạc sĩ Hoàng Cương là thành viên duy nhất đến từ Việt Nam trong ban giám khảo cuộc thi violon quốc tế tại CHLB Đức. Nhiều năm qua, ông là giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp. Nghệ sĩ violon Hoàng Linh Chi và Hoàng Tuấn Cương là hai người con của ông, hiện đang làm việc trong những dàn nhạc danh tiếng của Tây Ban Nha và CHLB Đức…

Đêm bế mạc Festival Piano quốc tế 2013, nhạc sĩ Hoàng Cương như “lọt thỏm” giữa bao người ái mộ vây quanh trong khán phòng nhà hát. Dáng nhỏ nhẹ khiêm nhường, mái tóc bạc nghiêng nghiêng, nhạc sĩ ngại ngùng không bước lên khán đài theo lời đề nghị. Ông cảm kích nhận những bắt tay siết chặt với bao lời chúc nồng nhiệt của người thân, bạn bè, người hâm mộ... Với ông, dường như đó mới là niềm hạnh phúc đong đầy, sự sẻ chia khích lệ sau những vất vả đêm ngày miệt mài bên đàn, viết loại hình âm nhạc khó nhất, không chỉ ở Việt Nam mà ngay trên thế giới cũng không nhiều người thành công trong sáng tạo âm nhạc đẳng cấp này.

Nhạc sĩ Hoàng Cương là một trong những nhạc sĩ sáng tác khí nhạc có số lượng và chất lượng đạt hiệu quả cao. Các tác phẩm như Ráng chiều viết cho violon và piano, Tranh tứ bình (Rondo cho tứ tấu đàn dây), Ký ức dòng sông (tổ khúc cho dàn nhạc dây)… là những tác phẩm tiêu biểu của ông. Nhạc sĩ Hoàng Cương còn viết nhiều ca khúc cho giới trẻ. Ngay thời điểm này trên mạng xã hội, bài hát Tháng Giêng - Mùa xuân còn sót lại viết theo thể loại thính phòng pha nhạc trẻ của ông đang tham gia chương trình Bài hát Việt năm 2013.

TS BÙI BÍCH NGỌC

Tin cùng chuyên mục