Ngọt ngào điệu hát chầu văn

Tìm về sử xưa
Ngọt ngào điệu hát chầu văn

Hát văn (hát chầu văn, hát hầu bóng) luôn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng. Đây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam mang đậm tính tâm linh trong cả lời ca và giai điệu, là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng. Thời kỳ thịnh vượng nhất của loại hình diễn xướng dân gian này là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mà trung tâm của làn điệu này là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.

Hát văn biểu diễn phục vụ du khách.

Hát văn biểu diễn phục vụ du khách.

Tìm về sử xưa

Ngược dòng thời gian về những năm 50 - 80 của thế kỷ trước, hát chầu văn khá trầm lắng vì chủ yếu hát văn gắn với nghi lễ hầu đồng, hầu bóng có những biểu hiện mê tín, dị đoan... thì giờ đây hát chầu văn đã phát triển mạnh và được tổ chức biểu diễn ở trong và ngoài nước. Hát văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng, đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn tứ phủ. Để cho dễ nhớ, họ đã khấn bằng những bài văn lục bát và sau này thành những lời ca trong điệu chầu văn. Và một số nhà nghiên cứu cho rằng hát văn ra đời từ việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Nam Định là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của vương triều Trần - triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Lối hát văn nơi đây ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật chèo với các kiểu xuyên tâm, lơi nhịp, đảo phách, bẻ làn, nắn điệu. Nếu cái hay của nghệ thuật hát chèo là cái độ vang, rền, nền, nẩy của từng người hát thì nghệ thuật nẩy, rung, nhấn trong lối hát văn theo tài năng riêng của mỗi nghệ nhân hát văn đã tạo được lối diễn xướng tinh tế, thanh tao mà sôi động là dễ nhận ra.

Diện mạo mới

Theo những bước đường trôi chảy của thời gian, hát chầu văn cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát triển. Nhưng với sự nỗ lực sáng tạo biến tấu hát văn theo nhiều lối mới đã tạo được sinh khí cho các làn điệu hát truyền thống này, những bài hát văn mới ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Chính vì lẽ đó mà năm 1962, đoàn văn công Nam Định trong lần hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Hà Nội đã đạt được 3 huy chương vàng cho tiết mục hát văn Nam Định quê tôi.

Ngày nay hát văn không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như một loại hình ca múa nhạc dân gian như một số người đã cho rằng hát văn đã từ chốn thiêng bước ra cõi tục. Nhiều nhà hát trong cả nước đã dựng những giá đồng có tốp múa phụ họa để biểu diễn trên sân khấu hiện đại, dưới ánh đèn màu lung linh, huyền ảo ở cả trong và ngoài nước. Ở nhiều làng quê, với chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng thường có hát văn.

Nghệ sĩ Kim Liên, đoàn chèo Nam Định, cho biết: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật hát văn như chị, nghệ sĩ Bích Thục, nghệ sĩ Đăng Khoa cùng với anh chị em trong Đoàn chèo Nam Định đã tâm huyết xây dựng và biểu diễn 3 giá đồng. Vốn có chất giọng ngũ cung, những nghệ sĩ thành Nam đã đến các đền, phủ để tìm hiểu về đặc điểm cũng như không gian diễn xướng cùng các động tác múa của hát văn dân gian để từ đó đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Nếu như hát văn trong dân gian thiên về diễn xướng tâm linh và chỉ 1 người có thể biểu diễn múa trong suốt 32 giá đồng thì khi lên sân khấu các nghệ sĩ đã thay đổi khá cơ bản trong hình thức biểu diễn. Vẫn là múa hát hầu Thánh nhưng mỗi nghệ sĩ đảm trách một giá rồi quần áo đạo cụ cũng phong phú và chuyên nghiệp hơn mang đậm tính nghệ thuật.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những đổi thay về đời sống xã hội cũng khiến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hát văn có nhiều thay đổi. Bên cạnh những làn điệu hát văn mới, những làn điệu hát văn cổ nói về truyền thuyết những vị thánh hay công ơn của họ đối với dân với nước cũng đang được phục dựng trên sân khấu chuyên nghiệp để đưa hát văn gần gũi với công chúng hơn nữa. Các bài hát văn được soạn lời mới có giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, có nội dung ca ngợi quê hương đất nước.

Đến Nam Định, có thể dễ dàng nghe làn điệu hát văn. Có thể diễn bởi các nghệ sĩ nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, chỉ dành những lúc nông nhàn để hát hầu thánh, hay những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã mang văn hóa Việt sang các nước bạn mà cụ thể là năm 1971, tiếng hát của NSƯT Kim Liên và NSƯT Thế Tuyền đã đưa chầu văn sang Pháp và năm 1999, tiết mục diễn xướng chầu văn Hội làng do NSƯT Hồng Vân thể hiện đã tham dự Liên hoan Đàn và hát dân ca quốc tế tại Trung Quốc, đoạt giải Lá Trầu Vàng... hoặc thậm chí nó còn được chính người dân Nam Định lồng vào câu hát ru con, ru cháu. Nghệ thuật hay văn hóa truyền thống rất tự nhiên mà ngấm dần vào từng thế hệ dẫu cho văn hóa hiện đại vẫn đang xâm chiếm một cách mạnh mẽ.

Nam Định được Bộ VH-TT-DL chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, TP trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ VH-TT-DL cũng đã đưa chầu văn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục