Vài kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Cao

Lần đầu tiên, tôi gặp nhạc sĩ Văn Cao tại Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957 ở Hà Nội. Tôi không nén được xúc động vì được tận mắt nhìn thấy và được dự họp với một nhạc sĩ nổi tiếng cả nước. Lúc ấy ông vừa tròn 34 tuổi, nếu còn, nay đã là cụ ông 90. Trong Đại hội năm ấy, tôi cũng đã góp một lá phiếu nhỏ nhoi của mình cùng với hầu hết số phiếu trong Đại hội bầu Văn Cao vào Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa đầu tiên.
Vài kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Cao

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15-11-1923 – 15-11-2013)

Lần đầu tiên, tôi gặp nhạc sĩ Văn Cao tại Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957 ở Hà Nội. Tôi không nén được xúc động vì được tận mắt nhìn thấy và được dự họp với một nhạc sĩ nổi tiếng cả nước. Lúc ấy ông vừa tròn 34 tuổi, nếu còn, nay đã là cụ ông 90. Trong Đại hội năm ấy, tôi cũng đã góp một lá phiếu nhỏ nhoi của mình cùng với hầu hết số phiếu trong Đại hội bầu Văn Cao vào Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa đầu tiên.

Nhạc sĩ Văn Cao tự họa chân dung tặng riêng nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Nhạc sĩ Văn Cao tự họa chân dung tặng riêng nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Trước năm 1975, những lần gặp nhạc sĩ Văn Cao tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi rất muốn tranh thủ hỏi chuyện nhiều về sự nghiệp sáng tác của ông - người mà tôi từng ngưỡng mộ. Nhưng rồi bị công việc chung lôi cuốn, dự định không thành. Mãi sau ngày giải phóng, đến tháng 5-1985, trong dịp Văn Cao vào công tác vài ngày tại TP Hồ Chí Minh, tôi có tới thăm và tranh thủ hỏi chuyện về thời trai trẻ và hoàn cảnh ra đời một số tác phẩm nổi tiếng của ông.

Ông cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong một gia đình nghèo, học nhạc trong một trường dòng. Sau khi bố chết, năm 1940 lúc 17 tuổi theo chị vào Sài Gòn làm hãng quảng cáo. Thời gian này, ông có sáng tác nhạc, nhưng chưa thành hình. Những gì viết được hồi đó được dùng làm chất liệu cho các bài sau này.

Nhạc sĩ Văn Cao “bật mí” với tôi: Ca khúc Thiên Thai nguyên là bài Trên sông Hương được ông sáng tác tại Sài Gòn, từng đem ra trình diễn nhưng không thành công. Năm 1941, khi trở lại Hải Phòng, ông sửa chữa lại cả nhạc lẫn lời và đặt tên là Thiên Thai. Đây đúng là chuyện ít người biết. Cổ tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lạc vào động Thiên Thai rồi kết duyên cùng tiên nữ, qua tài năng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của Văn Cao được nâng lên thành một giai thoại hết sức nên thơ và hấp dẫn.

Ngay trong lần xuất bản đầu tiên tác phẩm Thiên Thai tại Hà Nội, Văn Cao cũng đã thổ lộ cảm nghĩ của mình khi sáng tác bằng mấy câu đặt ở đầu bài: “Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi”. Sau khi ra đời, bài hát nhanh chóng được đông đảo người nghe đón nhận hết sức nhiệt tình. Bài hát đã bay cao bay xa, vượt không gian và thời gian để thành tác phẩm âm nhạc sống mãi trong lòng quần chúng.

Hồi còn là một cậu thiếu niên, tôi đã từng ngâm nga Suối mơ, một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, một ca khúc trữ tình lãng mạn, bay bổng những ước mơ cao đẹp. Nét nhạc nhẹ nhàng, duyên dáng như nét bút uyển chuyển của một họa sĩ tài năng vẽ nên những hình ảnh nên thơ “bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”. Lời ca trau chuốt gọt giũa như những câu thơ giàu nhạc điệu với nhiều hình tượng đẹp về “con suối róc rách”, “bóng cây thùy dương”, “đàn nai đùa trong khóm lá”... Ca khúc với hình thức ba đoạn đơn ABA’, giai điệu từ giọng “la thứ” nhẹ nhàng thơ mộng từ từ chuyển sang giọng “la trưởng” bay bổng thiết tha, rồi lại trở về giọng “la thứ”, tái hiện âm hình chủ đạo ban đầu để rồi kết thúc trọn vẹn ca khúc.

Gặp gỡ nhạc sĩ Văn Cao lần này, sau khi hỏi chuyện về ca khúc Thiên Thai, tôi lại “phỏng vấn” về bài Suối mơ. Ông vui vẻ cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cảng Hải Phòng, nên sông nước là hình ảnh tôi vô cùng yêu thích. Nhiều sáng tác của tôi, đặc biệt là bài Suối mơ, sông nước đã trở thành hình tượng chính trong giai điệu và lời ca...”. Ông cho biết thêm: Sau khi sáng tác Suối mơ vào năm 1942, cùng năm đó ông bắt tay vào viết bản Trương Chi 1 từ ba bài gộp lại, trong đó có bài Suối mơ. Nhưng về sau nhận thấy Suối mơ được phổ biến lan rộng, nên đã giữ nguyên bài Suối mơ độc lập, thay bài khác vào làm thành bản Trương Chi 2 (1945), bản đang lưu hành hiện nay. Có lẽ ít người biết rằng ca khúc Suối mơ nổi tiếng được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác lúc còn là một chàng trai trẻ mới 19 tuổi.

Về ca khúc Tiến quân ca, ông cho biết khi sáng tác bài này theo gợi ý của một cán bộ cách mạng tên là Vũ Quý, ông đâu ngờ rằng sau này bài hát trở thành quốc ca của nước ta, một vinh dự quá to lớn. Khóa quân chính kháng Nhật ở chiến khu đang cần bài hát, đó chính là lý do để ông viết Tiến quân ca. Bài hát hoàn thành, tháng 11-1944, tức trước Cách mạng Tháng Tám gần một năm, ông đã tự tay viết bài này trên thạch bản để in vào tờ báo “Độc Lập” bí mật của cách mạng.

Trong câu chuyện, ông thừa nhận ca từ trong các bài hát thời đó không hợp với thời nay, nên việc chỉnh lại là cần thiết. Đúng như vậy, lời cũ có câu “Thề phanh thây uống máu quân thù”, lời mới sửa lại “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”; lời cũ: “Võ trang đâu, lên đường/Hỡi ai lòng chớ quên/Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên.”, lời mới: “Tiến mau ra sa trường/Tiến lên cùng tiến lên/Nước non Việt Nam ta vững bền”…

Khi trò chuyện với tôi về các sáng tác của mình trong kháng chiến chống Pháp, ông rất tâm đắc về bản trường ca Sông Lô. Ông hào hứng kể lại: Trên đường lên Việt Bắc công tác, ông đã đi dọc bờ sông Lô, nơi trận đánh vừa xảy ra không lâu, chứng kiến cảnh xóm làng ven sông bị địch tàn phá, đôi bờ sông ám khói súng, lau cháy loang lổ, cảm nhận niềm vui của bộ đội và dân chúng trong ngày chiến thắng... Cán bộ địa phương cho biết: Ngày 24-10-1947, pháo binh của ta lập chiến công lớn trên sông Lô, bắn cháy 2 tàu chiến của giặc Pháp, bắn bị thương hai chiếc khác tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cùng với chiến thắng Bình Ca, chiến thắng sông Lô đã phá tan âm mưu của địch bao vây và tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Cảm xúc trước chiến thắng lẫy lừng này, Văn Cao sáng tác trường ca Sông Lô, sau đó gửi đăng trên số báo Văn Nghệ đầu tiên ra tháng 3-1978 tại chiến khu Việt Bắc. Hồi đó có rất nhiều nhạc sĩ cùng viết về chiến thắng Sông Lô, nhưng tác phẩm của Văn Cao vẫn được yêu thích hơn cả. Trong tác phẩm của ông, nội dung tình cảm rất phong phú, thể hiện khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Giai điệu hay đẹp, lời ca mang nhiều chất thơ, hình tượng âm nhạc mang đậm tính hội họa.

Mặt khác, trong các sáng tác âm nhạc của Văn Cao, bản trường ca Sông Lô đem lại ấn tượng đặc biệt khó quên trong quần chúng yêu nhạc chính là về mặt khúc thức. Đây là một tác phẩm thanh nhạc mang hình thức độc đáo, là một tác phẩm thoát ra khỏi những hình thức ca khúc thông thường, cấu trúc gồm nhiều đoạn với tính cách, điệu thức, nhịp điệu, tốc độ khác nhau được kết hợp nối tiếp liên tục một cách hợp lý, nhuần nhuyễn. Trường ca Sông Lô gồm 4 đoạn và một đoạn kết. Ta có thể cảm nhận nội dung tư tưởng và nghệ thuật âm nhạc của trường ca Sông Lô đạt đến một đỉnh cao. Và đó chính là lý do vì sao tác phẩm của Văn Cao trở thành nổi tiếng nhất trong các bài hát viết về chiến thắng sông Lô.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, trao đổi về âm nhạc khá lý thú này, ông làm một chuyện khá bất ngờ là ghi mấy chữ tặng tôi dưới bức tranh ông tự ký họa. Đây là một kỷ vật rất quý đối với tôi.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục