Nhà văn Đỗ Bích Thúy - “Muốn sục sạo thế giới bằng đôi mắt cô thợ giặt là”

Nhà văn Đỗ Bích Thúy nổi tiếng từ khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Đêm cá nổi”. Gần đây, sau tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tản văn “Đến độ hoa vàng” được ra mắt bằng hình thức trình diễn văn xuôi hồi tháng 6 vừa qua, nhà văn Đỗ Bích Thúy tiếp tục gây bất ngờ khi giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cánh chim kiêu hãnh” (NXB Quân đội nhân dân, 10-2013). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 2 và là cuốn sách thứ 13 của Đỗ Bích Thúy. Nhân dịp này, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã “cởi lòng” khi trò chuyện về nghề văn.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy - “Muốn sục sạo thế giới bằng đôi mắt cô thợ giặt là”

Nhà văn Đỗ Bích Thúy nổi tiếng từ khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng”, “Ngải đắng ở trên núi”, “Đêm cá nổi”. Gần đây, sau tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tản văn “Đến độ hoa vàng” được ra mắt bằng hình thức trình diễn văn xuôi hồi tháng 6 vừa qua, nhà văn Đỗ Bích Thúy tiếp tục gây bất ngờ khi giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Cánh chim kiêu hãnh” (NXB Quân đội nhân dân, 10-2013). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 2 và là cuốn sách thứ 13 của Đỗ Bích Thúy. Nhân dịp này, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã “cởi lòng” khi trò chuyện về nghề văn.

        Viết lách ngày càng khó

* PV: Nhiều nhận xét cho rằng tính độc đáo của văn Đỗ Bích Thúy phần nhiều là nhờ “khí hậu” Hà Giang, chị cảm thấy bản thân mình có bao nhiêu “chất núi”?

* Trong văn chương thì khoảng 80%, còn trong đời sống thì khoảng 99%. Tôi bê nguyên cái người ở núi về Hà Nội sống mà (cười).

* Lòng tận tụy với văn chương miền ngược, với bà con các dân tộc vùng cao, với chị phải chăng là trả nợ nơi sinh dưỡng hay chị thấy ở họ tiềm ẩn những vẻ đẹp từ cuộc sống bình đạm?

* Nói trả nợ là nói một cách hình tượng thôi. Chứ tôi nợ nhiều nơi, đâu phải chỉ nợ núi rừng. Nhưng núi rừng cho tôi nhiều thứ mà đô thị không có, đồng bằng Bắc bộ không có, đặc biệt là đối với công việc sáng tác. Núi rừng là cảm hứng, là vốn sống, là tư liệu, là không khí, hơi thở… để tôi có thể viết về nó.

* “Cánh chim kiêu hãnh” vừa ấn hành là cuốn tiểu thuyết thứ hai, lại viết về một mảng khá hiểm là lịch sử kháng chiến Hà Giang, dường như chị đã “mạo hiểm” hoặc muốn “phá vỡ định kiến” nhà văn Đỗ Bích Thúy chỉ “hay” trong những truyện ngắn vùng cao?

* Cái “định kiến” như bạn nói, tôi cho rằng là một nhận định chứa cả hai ý khen và chê. Điều đó là hết sức bình thường. Tôi đã từng nói về việc vì sao phải chọn thể loại khi viết về cái gì đó, nay tôi nói lại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn đều có chức năng riêng của nó. Có những thứ chỉ có thể giải quyết bằng tản văn, nhưng cũng có những thứ phải tiểu thuyết hoặc truyện ngắn mới giải quyết được. Cái áo nào vừa cho câu chuyện mà mình định nêu ra thì chọn cái đó cho nó.

Lịch sử kháng chiến Hà Giang là một câu chuyện rất dài. Muốn chuyển tải được nó, không thể dùng truyện ngắn, mà nhất định phải là những tiểu thuyết. Tiểu thuyết, với sự rộng lớn về biên độ, sự phức tạp của hệ thống nhân vật, sự chồng chéo của các sự kiện… mới có thể chạm tới quãng lịch sử này của Hà Giang. Cuốn sách này của tôi mới chỉ giải quyết được một cái gạch đầu dòng trong lịch sử kháng chiến của Hà Giang mà thôi.

* Sở hữu 13 cuốn sách - một gia tài không nhỏ, chị có nghĩ rằng theo thời gian công việc viết văn của chị, những cuốn sách ra đời ngày càng dễ dàng và nhanh hơn?

* Cũng không phải thế. Việc viết lách sẽ càng ngày càng khó đối với một nhà văn, tôi nghĩ thế. Khó đầu tiên là phải viết cái gì đó “mới mẻ”. Khi tôi ra thêm một cuốn sách, các bạn phóng viên hay đặt câu hỏi: “Cuốn này của chị có gì mới so với những cuốn trước?”. Làm mới văn chương, tức là làm mới mình, là một điều vô cùng khó, nhất là khi người ta mỗi ngày một già đi, cái khát vọng được cống hiến cũng giảm đi, tư duy trì trệ đi. Cái “dễ hơn” theo tuổi tác, có chăng chỉ là cái “nghề” có vẻ trở nên “chuyên nghiệp” hơn.

        “Sướng vì vẫn còn bạn đọc”

* Orhan Pamuk - tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ đã nói về nghề viết rất hóm hỉnh trong diễn từ Nobel văn chương 2006: “Tôi viết bởi vì tôi giận, vì tôi e sợ sự lãng quên, vì sự trông đợi của độc giả, vì tin vào sự bất tử của thư viện và cái lối sách của tôi xếp trên kệ”, còn nhà văn Đỗ Bích Thúy viết vì tin ở văn chương, như một thói quen hay vì để hạnh phúc?

* Tôi viết vì biết mình vẫn còn bạn đọc. Còn gì sung sướng hơn. Nói thật, nhiều lúc ra quầy để mua sách, thấy hoang mang vô cùng. Sách văn học được bày bán nhiều nhất không phải là văn học trong nước mà là các tác phẩm dịch. Văn học trong nước chỉ có một số rất ít những cái tên được xếp vào hàng “bán chạy” thôi (và tên tôi chắc chắn không ở trong số đó). Nhưng tôi biết mình luôn có những bạn đọc yêu thương và đắm say với những gì mà tôi đã viết. Từng đó đủ cho một nhà văn rồi.

* Được biết Cửa hàng giặt là - tên một cuốn tiểu thuyết mới về đô thị mà chị đang viết, “bẻ ghi” đề tài đột ngột như vậy, điều gì đã thôi thúc chị ghê gớm như thế?

* Đấy là tôi tạm đặt thế chứ chưa chắc đã là cái tên cuối cùng cho cuốn sách. Tôi đã từng có những ngày đứng là quần áo phục vụ khách từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối, từng đã phải vận dụng hết vốn từ mà mình có để “cãi nhau” với khách… Nhiều chuyện rất thú vị.

Và đó là một phần đời sống mà tôi đã và đang trải qua trong suốt mười sáu năm sống ở Hà Nội, và từ lúc nào đó đã là một tế bào của Hà Nội. Tôi muốn sục sạo vào Hà Nội bằng con mắt của một cô thợ giặt là.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục