Những năm tháng xưa trìu mến

Khác hẳn với cảnh đìu hiu vốn có của nhiều cuộc trưng bày mang tính phong trào, triển lãm ảnh “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn” qua ống kính của John Ramsden, một nhà ngoại giao người Anh làm việc ở Việt Nam từ năm 1980 - 1983, tại Hà Nội, trong những ngày này rộn ràng khác lạ. Người ta đến để tìm, để nhớ, để sống lại với những hoài niệm về một Hà Nội xưa trìu mến.
Những năm tháng xưa trìu mến

Triển lãm “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn”

Khác hẳn với cảnh đìu hiu vốn có của nhiều cuộc trưng bày mang tính phong trào, triển lãm ảnh “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn” qua ống kính của John Ramsden, một nhà ngoại giao người Anh làm việc ở Việt Nam từ năm 1980 - 1983, tại Hà Nội, trong những ngày này rộn ràng khác lạ. Người ta đến để tìm, để nhớ, để sống lại với những hoài niệm về một Hà Nội xưa trìu mến.

Năm 1980 - 1983, khi ông John Ramsden, bấm máy ghi lại hình ảnh cuộc sống và con người Hà Nội thời bấy giờ, có lẽ ông không nghĩ một ngày những tấm ảnh đó sẽ được triển lãm tại đây, cho những con người Hà Nội của 30 năm về sau. Với ông, nhiếp ảnh lúc đó không chỉ là một sở thích, mà còn là cách ông làm quen và khám phá một môi trường mới, một thành phố xa lạ cả về địa lý lẫn văn hóa phong tục tập quán. Ông đến Hà Nội bốn tháng sau khi nhận quyết định Phó đại sứ tại Việt Nam, với vỏn vẹn vài câu tiếng Việt giao tiếp và trong suy nghĩ chung của phương Tây về một thành phố khép kín sau chiến tranh. Nhưng ông đã rất ngạc nhiên và thú vị, khi Hà Nội vẫn chưa hết vết hằn cuộc chiến, nhưng là thành phố có một nhịp tim vẫn đang âm thầm đập - một thành phố có tâm hồn.

Ảnh trong triển lãm “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn” của John Ramsden.

Ảnh trong triển lãm “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn” của John Ramsden.

Chọn ra 117 bức ảnh tiêu biểu nhất để trưng bày lần này, John Ramsden đã cho công chúng Việt Nam thấy toàn cảnh Hà Nội thời bao cấp với những con người mong manh áo quần giữa tiết đông se sắt. Một Hà Nội chỉ toàn xe đạp thong dong lặng thầm; những chiếc thùng sắt đứng xếp hàng thay người đợi nước sinh hoạt… Có cả cảnh xếp hàng chờ mua đồ dùng bao cấp, hay một gia đình “chất” nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi lòng vòng các phố. Hồ Gươm những năm 1980 ẩn hiện đen trắng và cả một Hà Nội với phố Tô Tịch xưa cũ người dân ngồi trên lòng đường cưa gỗ một cách bình yên… Ông không ngần ngại thừa nhận để đưa những bức ảnh này đến với công chúng của Việt Nam hôm nay với ông là một hành trình dài đầy cảm xúc. “Tôi cũng sợ những bức ảnh của mình không được người Hà Nội đón nhận nữa. Nhưng thực tế ngược lại. Những người sống qua những tháng ngày ấy đều thổn thức khi ngắm lại những bức ảnh này. Còn các bạn trẻ, tôi thấy niềm thú vị trong mắt các bạn khi xem lại những tháng ngày khốn khó mà các bạn chưa một phút trải nghiệm” - ông nói.

Triển lãm ảnh “Hà Nội - Mảnh đất hóa tâm hồn” đã đưa người xem ngược về với không khí của Hà Nội những năm bao cấp trước đổi mới. Đó là sự tụ hội của những hình ảnh, câu chuyện, kiến thức và tình cảm từ nhiều thế hệ về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển hiện đại của Hà Nội, và với rất nhiều người, trong đó cả John, là một phần ký ức sâu sắc không thể quên. Bộ ảnh hơn 1.700 tấm ông đã chụp trong 3 năm ở đây thể hiện quá trình biến đổi trong tình cảm và suy nghĩ của ông về Hà Nội. Từ những tấm đầu tiên ông chụp Hồ Gươm, cầu Thê Húc - các danh thắng hiển nhiên - ảnh của John dần thâm nhập vào cuộc sống và văn hóa Hà Nội. Những phong tục thường nhật và lễ giáo đã được ông quan sát một cách tò mò, tỉ mỉ, 36 phố phường ông đã hòa mình vào sau giờ làm việc mỗi ngày, những quầy hàng chợ đầy những hương vị lạ lẫm Á Đông, thậm chí những nhân vật nghệ thuật tiêu biểu Hà thành như họa sĩ Bùi Xuân Phái, đều được ông tìm cách tiếp xúc. Những vẻ đẹp bên ngoài là điều dễ thấy ngay được, nhưng có lẽ John đã hiểu hơn về Hà Nội khi ông đi sâu hơn - ông đã chứng kiến cảnh nghèo đói vất vả thiếu thốn của xã hội bấy giờ, nhưng ở đó ông nhìn thấy được tinh thần thật sự của một Hà Nội đang cố gắng từng ngày từng giờ để vươn lên.

John Ramsden không giấu cảm xúc của mình khi nhớ về những năm tháng xưa trìu mến mà ngay cả lúc này, sau 30 năm xa Hà Nội, tình yêu của ông với mảnh đất này vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Ông tâm sự: “Tôi rất ấn tượng khi Hà Nội đã phát triển như vậy chỉ trong thời gian ngắn. Hơn thế, giờ đây Hà Nội đã không còn bị cô lập với thế giới. Ngược lại, thế giới đang đổ về Hà Nội, với sự thích thú khám phá về đời sống văn hóa và chiều sâu lịch sử. Cho nên, Hà Nội không còn yên ả như xưa mà dần trở thành thành phố quốc tế, song bản sắc Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong từng ngôi nhà, góc phố nhờ những chút tình đằm thắm tiềm ẩn ngàn đời. Khi lần đầu tiên John trở lại đây sau 30 năm, ông đã nói: “Hà Nội đã phát triển nhanh một cách đáng khâm phục và tôi nghĩ tôi hiểu vì sao”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục