Những lát cắt buồn

Vẫn biết khó đòi hỏi sự cầu toàn trong mọi thứ, nhưng quả thật, có không ít những hành vi ứng xử khi rơi vào một thời điểm nào đó lại bộc lộ những lỗ hổng về văn hóa đáng giật mình. Đáng tiếc thay, trong những ngày diễn ra lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, lại có một số hành vi đáng buồn như thế.

Không chỉ chuyện một MC non nghề chúc “ngày quốc tang nhiều niềm vui” mà cả những hành vi “tự sướng” của một nhóm phóng viên trong lúc tác nghiệp về lễ đưa tang, hay chuyện “chửi như hát” cũng của một phóng viên truyền hình khác khi bị người dân nhắc nhở… Cũng liên quan đến tác nghiệp của phóng viên là chuyện một nhà nhiếp ảnh xô đẩy một cụ già bởi vì cụ làm vướng góc máy anh muốn chụp một cụ già khác!

Đó còn là chuyện rất nhiều người trên các trang mạng xã hội, không chỉ là giới trẻ, gần như đồng loạt thay hình ảnh đại diện trên trang cá nhân bằng hình ảnh đại tướng. Có lẽ xuất phát điểm ban đầu là từ một ý niệm tốt đẹp, muốn bày tỏ và xem việc để hình ảnh của Đại tướng như biểu hiện của niềm kính trọng, thương tiếc!

Thế nhưng, lắng nghe phản biện của một nghệ sĩ với một bạn trẻ về vấn đề này, sẽ dễ dàng nhận ra đó là một lỗ hổng văn hóa đáng tiếc: “Em có thể để ảnh của cụ trên khung cover trang nhà của em, em có thể viết hàng chục bài viết để tỏ lòng tôn kính nhưng không được để cụ làm đại diện cho trang cá nhân của em. Tưởng như vậy là tôn kính nhưng thực ra vô tình đó lại là bất kính! Khi em trao đổi với bạn bè những nội dung vui đùa hoặc có khi thô tục bằng cái avatar (hình đại diện) đó thì thật khiếm nhã với hình ảnh của cụ, là xúc phạm người mà mình tôn kính...”.

Anh cũng chia sẻ rằng, khi thấy cả rừng di ảnh Đại tướng và cờ Tổ quốc đeo tang trên mạng xã hội, anh giật mình bởi “cờ tổ quốc đeo tang không phải là điềm lành cho một đất nước, đó là chuyện chẳng ai muốn, cho nên càng không nên phát tán hình ảnh ấy như một biểu tượng!”. Lời chia sẻ trên đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, thậm chí không ít bạn trẻ đã cảm ơn người nghệ sĩ vì cho rằng mình đã học được bài học thấm thía từ sự chia sẻ trên.

Thế nhưng, những chuyện như trên cũng chỉ là những biểu hiện bốc đồng nhất thời và nếu biết tiếp thu một cách nghiêm túc người ta sẽ dần lớn lên, trưởng thành để ngày càng hành xử lễ độ, có văn hóa hơn.

Tuy nhiên, sẽ thật khó chấp nhận khi biết rằng vào chiều 11-10, thời điểm chính thức lễ quốc tang thì tại thành phố du lịch nổi tiếng Hạ Long vẫn tổ chức hoạt động diễn tập Đại hội TDTT lần thứ VII với băng rôn đỏ rực đường phố. Chưa hết, ngay vào thời khắc hàng triệu trái tim đang thổn thức dõi theo hình ảnh truyền hình trực tiếp lễ an táng Đại tướng thì cũng đồng loạt, hàng triệu thuê bao của nhà mạng Mobifone nhận được tin nhắn thông báo tăng giá gói cước 3G. Đó có thể là những chuyện đã nằm trong kế hoạch từ trước nhưng rõ ràng ở đây cho thấy một thái độ quan liêu đến mức vô cảm của lãnh đạo những đơn vị trên.

Hay như chuyện một ca sĩ nổi tiếng, ngay đầu giờ chiều 13-10 vẫn tổ chức họp fan hâm mộ hát hò nhảy múa tưng bừng! Đương nhiên chẳng ai nói cô ca sĩ này sai nhưng rõ ràng cho thấy nhận thức kém cỏi của một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, bởi dời ngày họp fan trong thời điểm như thế chắc chẳng ai trách cô mà chỉ giúp hình ảnh cô đẹp lên trong mắt công chúng.

Trong khi đó, tối 13-10, mặc dù biết rằng đã hết quốc tang của Việt Nam nhưng Sứ quán Pháp vẫn quyết định hủy một chương trình tiệc chuẩn bị trước để tôn trọng người dân Việt Nam. Đại diện nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài khác cũng từ chối đến dự tiệc lớn của một tập đoàn tư nhân Việt Nam mời tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội với lý do “đây chưa phải thời điểm phù hợp để chúng tôi tham gia”.

Biết những chuyện như thế, để giật mình nhìn lại những hành xử của chúng ta, chiêm nghiệm và rút tỉa, xem ra không thừa và không muộn bao giờ!

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục