Bài học cho nghệ sĩ

Chuyện còn đang nóng là chuyện ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ bỏ ngang xương chương trình biểu diễn của quốc gia bên Lào… Thực chất đây chỉ là thêm giọt nước tràn ly trong đời sống, thị trường ca nhạc hỗn tạp từ nhiều năm nay của chúng ta.

Một thực tế không thể phủ nhận: đời sống văn hóa tinh thần và giải trí của nước ta những năm qua khá phong phú và đa dạng. Văn hóa, giải trí nước ngoài ào ạt vào Việt Nam; bên cạnh đấy là sự trỗi dậy và khởi sắc không kém của văn hóa, giải trí nội. Thế nhưng điều đáng nói ở đây, hậu quả của nó chắc chắn sẽ còn lâu dài chính là: song hành cùng sự phát triển là sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách của không ít người đang khoác trên mình “tấm áo” nghệ sĩ. Cũng cần khẳng định ở đây, chúng ta có và còn rất nhiều nghệ sĩ chân chính, tâm huyết mà nhân cách, tài năng của họ đáng để mọi người kính trọng và nể phục.

Tôi nhớ vào khoảng những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, lúc ấy tôi còn là học sinh cấp 3 của một trường ngoại thành Hà Nội. Trường tôi đã rất hãnh diện được đón 3 ca sĩ Trung Kiên, Quý Dương, Mạnh Hà về hát. Và sau đêm văn nghệ của trường ấy, 3 ca sĩ đã đạp xe xa gần 20km trở về nội thành. Hình ảnh đẹp của các nghệ sĩ ấy vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi đến tận bây giờ. Tất nhiên, hiện nay mọi điều kiện đã khác xưa nhiều lắm, nhưng thật đáng buồn hầu như mọi mối quan hệ hiện nay chỉ có tiền và tiền.

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca nhạc Trung ương cũng vừa mới thông tin: các ca sĩ nhạc đỏ hàng đầu hiện nay đòi tiền cát-xê khủng lắm, tới 15, 20, 25 triệu đồng, nếu đi tỉnh ngoài thì tới 50, 60 triệu đồng.

NSND Thanh Hoa cũng rầu lòng phải nói ra, quán cà phê nổi tiếng của bà phải đóng cửa vì không đủ tiền trả cho ca sĩ (họ đòi cao quá), trong đó nhiều ca sĩ chính là học trò của bà. Một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc tên tuổi, giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia cũng than thở về một cô học trò thanh nhạc không tên tuổi, được nhạc sĩ phát hiện ra chất giọng và mời hát cho vài ca khúc của ông. Sau đó cũng một vài nhạc sĩ khác mời và cô ta bỏ luôn ông, bởi các nhạc sĩ thời thượng kia đang rất sẵn tiền....

Thực tế đã từ lâu, đời sống âm nhạc của nước ta bị thả nổi, có vẻ không kiểm soát được. Cái gọi là nhạc sĩ giờ nhan nhản, có người viết vài ca khúc quần chúng chẳng ra sao cũng vỗ ngực nhạc sĩ. Có người chất giọng kém, được lăng xê rồi nghiễm nhiên xưng ca sĩ hạng nọ hạng kia... Có nhiều người khi chưa có tên tuổi rất khiêm tốn, nhún nhường; nhưng đã có tí tên là lên mặt, tự cao tự đại... Nghệ sĩ lắm tài nhiều tật, xưa nay người ta vẫn nói thế. Vậy nhưng, thời buổi này rất nhiều người mang danh nghệ sĩ không những bất tài mà tật thì cao ngất. Và qua các phương tiện truyền thông hôm nay, nhiều khi phơi bày thói xấu lại chính là một chiêu lăng xê hiệu quả nhất.

Trở lại chuyện Trọng Tấn, Anh Thơ, họ được trời ban cho một chất giọng tốt, được học hành bài bản và đang là giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia. Tuy nhiên họ đã gây nên điều thật đáng tiếc. Trách nhiệm người nghệ sĩ với Tổ quốc với nhân dân dường như mơ hồ, ít có giá trị... Xã hội ta, nhà nước ta có đầy đủ một hệ thống quản lý, giáo dục từ thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở. Ấy thế nhưng vì sao một bộ phận con người Việt Nam càng ngày càng thiếu, kém văn hóa trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở một số “kỹ sư tâm hồn” vốn có ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội!?

Cao Minh

Tin cùng chuyên mục