Nơi đầu sóng

Nơi đầu sóng

Hơn 150 phút bồng bềnh trên biển, đảo Hòn Chuối dần hiện ra sừng sững trước mắt tôi, khác hẳn khi xem qua trên bản đồ, chỉ là cái chấm nhỏ giữa vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Tàu cập cảng. Hơn mười chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối đón đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi. Những cái nắm tay thật chặt, vồn vã, ấm áp như thể người thân. Trước mắt chúng tôi là vách đá chênh vênh, cây cối um tùm, đầy thách đố. Thấy tôi ngồi thở hổn hển, các chiến sĩ động viên: “Mùa này tàu ghé cảng bên đây, chứ ghé bên ghềnh Nam, leo tới 303 bậc thang như thế này đấy”.

Thầy trò lớp học tình thương Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

Thầy trò lớp học tình thương Đồn Biên phòng Hòn Chuối.

Buổi nói chuyện đầu tiên giữa những người ở đất liền với lãnh đạo đồn biên phòng rộn rã như đã thân quen nhau, lâu rồi, nay mới có dịp gặp lại. Trong lúc trò chuyện, Thiếu tá Văn Phước Cước, Đồn phó Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho chúng tôi biết nhiều cái thiếu ở đảo Hòn Chuối. Đó là thiếu điện thắp sáng, nước sinh hoạt, thiếu thầy thuốc.

Tuy cách cửa biển Sông Đốc hơn 17 hải lý nhưng Hòn Chuối vẫn thuộc địa phận khóm 1 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Về chuyện tích trữ nước đủ tiêu xài cho mùa khô, các anh cho biết. đồn đã xây dựng được 6 hồ chứa nước, một vài hộ cũng xây được hồ nên cũng đủ theo nhu cầu tối thiểu. Điện đài thì nhờ vào hệ thống pin mặt trời nhưng đến 21 giờ phải tắt để tiết kiệm.

Trên đường đi xuống ghềnh Nam, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt thơ ngây, tròn xoe của các em học sinh đang cắp sách từ dưới ghềnh lên, chăm chăm nhìn người lạ. Nói là trường nhưng thực ra chỉ là một lớp học, lớp học tình thương Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Bàn ghế cho học sinh vỏn vẹn dăm ba bộ, cái cao, cái thấp. Còn bàn, ghế của thầy giáo cũng chẳng hơn, loang lổ cũ kỹ. Người thầy đứng trên bục dạy các em con chữ là Trung úy Trần Bình Phục.

Thầy Phục cho biết, lớp học có 13 em, gồm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4; những em học học hết lớp 5 trước đây đã vào đất liền học tiếp hoặc theo cha mẹ đánh cá. Dụng cụ học tập do bộ đội biên phòng mua tặng, hoặc từ đất liền bà con gửi tặng. Lớp học không ổn định sĩ số, bởi hết mùa tôm cá, các em phải theo cha mẹ chuyển đi làm ăn xa hoặc vào đất liền sinh sống. Thầy Phục nói: “Các em học sinh ở lớp học tình thương không có học bạ. Nhà em nào có điều kiện vào đất liền học tiếp, chứng thực bằng cách xin xác nhận của lãnh đạo đồn biên phòng”.

Em Nguyễn Hoàng Duy, học sinh lớp 2, tíu tít kể: “Con thương thầy Phục, thương thầy Tự nữa. Con cố gắng học để thầy vui”. Bà Nguyễn Thị Hà, 60 tuổi, nhà ở gần lớp học nhận xét: “Thầy Phục dễ thương lắm, còn tốt với bà con nữa. Nhờ thầy mà con em chúng tôi thoát cái dốt. Người dân chúng tôi tin tưởng, giao phó con em của mình cho bộ đội biên phòng, bộ đội hải quân”.

Tại Hòn Chuối còn có thiếu úy Nguyễn Quốc Tự chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo. Thường thì khi sắp “đi biển”, chị em vào đất liền sinh nở, mà đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện. Nên hơn tám năm qua, kể từ khi nhận nhiệm vụ ở đảo Hòn Chuối, thiếu úy Tự trở thành người đỡ đẻ bất đắc dĩ hơn chục lần. Thiếu úy Tự cho biết: “Mỗi tháng tôi khám và điều trị từ 40 – 50 lượt người. Đối với những trường hợp bệnh nặng, tôi sơ cứu và cùng người nhà chuyển bệnh nhân vào đất liền”.

Hòa mình vào cuộc sống của chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối - nơi đầu sóng của tỉnh Cà Mau, nơi sâu nặng tình quân dân - sẽ hiểu hơn về sự thiếu thốn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của những chiến sĩ vì biển, đảo thiêng liêng.

Đảo Hòn Chuối cũng như hết thảy những đảo nổi, đảo chìm của Tổ quốc Việt Nam, mai này hẳn không còn xa nữa…

Cao Minh Tèo

Tin cùng chuyên mục