Chấn chỉnh biểu diễn nghệ thuật phải thường xuyên, liên tục

Chỉ thị số 65 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL (ngày 16-4-2012) nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật - vốn có quá nhiều vi phạm trong thời gian qua. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn (ảnh) xung quanh các vấn đề này.
Chấn chỉnh biểu diễn nghệ thuật phải thường xuyên, liên tục

Chỉ thị số 65 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL (ngày 16-4-2012) nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật - vốn có quá nhiều vi phạm trong thời gian qua. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn (ảnh) xung quanh các vấn đề này.

° PV: Thời gian gần đây, dư luận quan tâm việc Bộ VH-TT-DL quyết tâm lập lại trật tự trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang. Thứ trưởng nhận định gì về việc này?

° Thứ trưởng HỒ ANH TUẤN: Trước thực trạng “hát nhép”, “đàn nhái”, trang phục phản cảm của một số chương trình, ca sĩ, người mẫu trong biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ban hành Chị thị số 65; tiếp đến là tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng ngày 18-5 nhằm chấn chỉnh và đưa hoạt động này đi vào nề nếp; tổ chức hai hội nghị quán triệt triển khai Chỉ thị số 65 với các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, ca sĩ, người mẫu tại 2 địa bàn trọng điểm là thủ đô Hà Nội ngày 1-6, TPHCM ngày 18-6 và có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Tôi tin tưởng tình hình thực tế sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt lên.

° Theo ông, việc áp dụng Chỉ thị số 65 vào đời sống xã hội có gặp khó khăn?

° Đó là làm thế nào để giải quyết cân bằng, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, từ cơ quan quản lý các cấp, tới các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, công ty quản lý người mẫu, nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, công chúng và giới truyền thông. Có nơi cơ quan quản lý còn buông lỏng quản lý từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm duyệt, giám sát, xử phạt tạo những kẽ hở cho những vi phạm, do vô tình, yếu kém và cả cố tình.

Một số công ty tổ chức biểu diễn, quản lý người mẫu, cơ sở dịch vụ còn đơn thuần chạy theo lợi nhuận, dễ dàng đáp ứng thị hiếu lệch lạc của một bộ phận khán giả. Một bộ phận ca sĩ, người mẫu vì lợi ích cá nhân, tạo scandal để đánh bóng tên tuổi bản thân bằng sự uốn éo, bằng da thịt để khỏa lấp những yếu kém trong nghệ thuật đích thực. Một số cơ quan truyền thông, các trang mạng vì thị phần còn cố tình hoặc vô ý góp phần cổ súy, thổi bùng những sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
 
° Vậy phải làm sao để tháo gỡ nút thắt đó?

° Đó là việc nhận thức và triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang.

Thứ nhất, với các cơ quan quản lý nhà nước, bộ chỉ đạo các cơ quan cấp phép thẩm định kỹ hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty mới thành lập, mới xin phép hoạt động trên địa bàn, hoặc đã từng vi phạm. Không cấp phép, tiếp nhận các công ty tổ chức biểu diễn, các chương trình có ca sĩ, người mẫu đã vi phạm nghiêm trọng.

Thứ hai, đối với các công ty tổ chức biểu diễn, các cơ quan quản lý nhà nước phân định và có cách ứng xử rõ ràng giữa các công ty tổ chức, quản lý có uy tín và các công ty hay vi phạm. Các công ty phải tự nâng cao nhận thức trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm khi diễn viên đơn vị mình quản lý vi phạm. Phải đảm bảo chất lượng chương trình nghệ thuật đã được cấp phép công diễn.

Thứ ba, đối với các ca sĩ, người mẫu, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác định và có cách ứng xử phù hợp: các các ca sĩ, người mẫu chuyên nghiệp không vi phạm được hỗ trợ đào tạo, tăng cường kiến thức chuyên môn; với các ca sĩ, người mẫu hay vi phạm thì cần có biện pháp xử lý, tạo điều kiện để họ khắc phục và không tái phạm.

Thứ tư, với công tác phối hợp truyền thông, Bộ VH-TT-DL chủ trương thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin vi phạm, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn làm đầu mối, đề nghị các Sở VH-TT-DL thiết lập đường dây nóng phù hợp với điều kiện của địa phương từ tháng 8-2012. Đề nghị các cơ quan cấp phép công bố nêu danh các tổ chức, cá nhân đã vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị các cơ quan truyền thông không giới thiệu các chương trình thiếu thẩm mỹ nghệ thuật, không đăng ảnh, phát sóng các trường hợp trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc biệt là các đài truyền hình, trang mạng.

° Đến thời điểm hiện nay, ông đánh giá thế nào việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 65?

° Đây là một công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và kiên trì, cần có thời gian để ngấm sâu, thẩm thấu vào đời sống văn hóa, nghệ thuật. Còn sớm khi nói đến kết quả, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 65; một số cơ quan truyền thông tham gia phản ánh, phân tích tích cực. Dấu hiệu tích cực bước đầu tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 65 tại TPHCM ngày 18-6 cho thấy một số ca sĩ, người mẫu đã từng vi phạm như ca sĩ Thu Minh, người mẫu Thái Hà đã nhận rõ khuyết điểm, sai phạm và hứa sẽ không tái phạm.

Như Hoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục