Người cộng tác viên báo “Anh Dũng”

Anh Lê Nguyên ơi! Em tranh thủ viết vội trong lúc vừa im tiếng súng để anh có tài liệu in báo. Những dòng chữ nguệch ngoạc của Hải, cộng tác viên báo Anh Dũng trên mặt trận Điện Biên Phủ được mở đầu như thế!
Người cộng tác viên báo “Anh Dũng”

Anh Lê Nguyên ơi! Em tranh thủ viết vội trong lúc vừa im tiếng súng để anh có tài liệu in báo. Những dòng chữ nguệch ngoạc của Hải, cộng tác viên báo Anh Dũng trên mặt trận Điện Biên Phủ được mở đầu như thế!

Tờ báo “Anh Dũng” của Sư đoàn 312 do Lê Nguyên phụ trách được làm ngay dưới chiến hào Điện Biên Phủ “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Tất cả công đoạn làm báo như viết bài, viết chữ ngược lên tấm đá lytô rồi lăn mực, áp lên giấy dó in ra từng tờ… Một tiểu đội phát hành báo chạy như bay trong khói lửa bom đạn đến các trận địa, trao tận tay cho từng đơn vị đang chiến đấu. Cứ tìm được ai biết chữ là Lê Nguyên giao nhiệm vụ ngay: “Cậu là cộng tác viên của báo đấy! Viết tin chiến đấu của tổ, của đơn vị mình rồi chuyển cho tớ”. Nào theo kiểu viết thư, kể, tóm tắt vài dòng nguệch ngoạc vội vàng, có khi được nguyên bài, lúc viết dở dang, bộ đội ta thời ấy đa số vừa đánh vần vừa viết.

Lá thư sau đây là của chiến sĩ Nguyễn Văn Hải, 18 tuổi, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, rất chăm viết bài cho báo “Anh Dũng”:

“Đơn vị 618 của chúng em đang chiến đấu quyết giữ Đồi C để khống chế sân bay và Đồi A1. Đã mấy lần chúng tấn công lên chiếm lại, bây giờ đơn vị em đang trấn giữ đây. Quân địch đang ở ngay trước mặt, cách chỉ nửa tầm súng. Có thể lát nữa chúng phản kích, nhưng chúng em quyết không để chúng chiếm được lâu đâu. Trong tay em đang sử dụng ba loại vũ khí: súng trường lưỡi lê, tiểu liên và cối phóng lựu. Tiểu đội em có ba người, một vừa hy sinh, một bị thương ngay tay phải, em vừa băng bó cho đồng chí ấy rồi, vẫn chiến đấu tốt. Chỉ có em là không sao cả. Em tranh thủ nhặt tờ giấy có in phiên hiệu của trung đoàn Lê Dương và bút nguyên tử rơi vung vãi tung tóe quanh đây, viết vội cho anh để có tin in báo…”.

Phải mất ba bốn lần ta và địch thay nhau chiếm giữ, đơn vị 618 mới giữ được mặt trận Đồi C, bám chặt từng thước chiến hào. Từ đấy ta khống chế gần như toàn bộ cứ điểm Đồi A1. Lá thư này ngay trong đêm ấy được chuyển về tay người phụ trách báo “Anh Dũng”.

Sáng 1-5-1954, đơn vị 618 đánh lên cứ điểm 505 ngay sát khu trung tâm Mường Thanh, gần chỉ huy sở của tướng Đờ-Cát. Tổ chiến đấu mũi nhọn hai người Hải và Quý, xung phong lên đầu tiên. Khi chỉ huy và đơn vị đang tấn công lên thì nào ngờ hai chiến sĩ Quý và Hải đã ở trên cứ điểm trước, cắt đôi đội hình địch. Quý chạy sau Hải. Hai chiến sĩ rất bình tĩnh, Quý bê một mũ sắt đầy lựu đạn tiếp cho Hải. Hải cứ việc quờ tay lại phía sau vớ ném thật mạnh lên trước liên tục, liên tục. Tiếng nổ ầm… ầm… như sấm sét. Chỉ huy dẫn đầu đoàn quân hô xung phong! Mà không ngờ lính mình lại triển khai nhanh đến thế. Trời gần sáng, tổ mũi nhọn của Hải đã ở giữa cứ điểm 505, cả đơn vị tiến lên như vũ bão làm chủ cứ điểm.

Một lúc sau, Lê Nguyên đã có mặt, Hải bị thương nặng, thấy Lê Nguyên, Hải mừng quá vội ôm lấy anh lúc máu me còn đầy mình đầy mặt. Khi xem đến vết thương, mới biết bên mắt của Hải đã bị văng đâu mất một con ngươi…!

Ký họa của Công Vẻ.

Ký họa của Công Vẻ.

Lâu nay, Hải coi Lê Nguyên như người anh thân thiết tin cậy, là người bạn chí cốt, hướng dẫn Hải viết. Hồi đầu trong học tập chỉnh huấn, anh em có dịp tâm sự. Được hỏi về vết sẹo lồi dài trên má, Hải nói do trèo cây ổi bị ngã. Nhưng khi đã cảm thông, Hải tâm sự thật với anh Nguyên: Bố em bị bắt đi phu làm sân bay Thanh Hóa, bị bọn cai đánh què. Mười ba tuổi, em phải đi ở cho địa chủ, lúc ngồi nấu cám, mệt quá ngủ gật, mụ chủ túm tóc em ấn đầu vào nồi cám, vết sẹo này là từ đó…! Thế mà mới vào bộ đội được mấy tháng, Hải cao lớn và tiến bộ rất nhanh. Chỉ mới biết đọc, biết viết nhưng đã là cộng tác viên rất tích cực của báo “Anh Dũng”.
 
Sau ngày hòa bình, về Hà Nội, Lê Nguyên không có lần nào gặp lại người anh em ấy nữa. Lê Nguyên còn giữ lá thư ấy của Hải, anh trao cho Viện Bảo tàng Quân đội. Hồi đầu, dưới tờ báo “Anh Dũng”, còn trưng bày cả lá thư của Hải.

Tờ báo “Anh Dũng” của Sư đoàn 312 duy nhất phát hành trên mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với tờ báo Quân đội Nhân dân được trưng bày ngay dưới lá cờ Quyết thắng của Bác Hồ trao tặng cho Sư đoàn 312 anh hùng.

Mã Thiện Đồng (Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6)

Tin cùng chuyên mục