Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ

Nhiều bí ẩn đang chờ lật giở

Nhiều bí ẩn đang chờ lật giở

Ngày 16-6, tỉnh Thanh Hóa sẽ đón bằng công nhận di sản văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng cho Thành nhà Hồ. Nhân dịp này, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đã trao đổi với báo chí về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Một góc Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

Một góc Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).

- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng giá trị của Thành nhà Hồ không chỉ là sự hiện hữu của những khối đá khổng lồ mà còn ẩn sâu trong đó rất nhiều câu chuyện huyền thoại về việc dựng thành. Quan điểm của ông dưới góc độ của một nhà khảo cổ học là gì?

PGS-TS TỐNG TRUNG TÍN: Thành nhà Hồ với diện tích thành nội rộng hơn 20ha nhưng công tác khai quật khảo cổ mới dừng lại ở việc đào một vài hố thám sát. Trừ khu vực được coi là đàn tế Nam Giao đã phát lộ hầu như toàn bộ những bí ẩn của khu vực này vẫn nằm sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, may mắn hơn so với Hoàng Thành Thăng Long, khu vực Thành nhà Hồ do dân cư thưa thớt, chưa chịu sự ảnh hưởng của công nghiệp hóa nên di sản được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

- Theo sử sách ghi lại, Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục?

Trong sử sách đều nói xây thành 3 tháng là xong. Tôi không tin vào giả thuyết xây dựng 3 tháng là xong. Nhiều tài liệu có chỉnh lại là tháng 3 làm xong, tức là đã làm trước đó và làm lúc nào không biết. Song theo tôi, để làm một thành với hàng ngàn khối đá được đẽo dựng phẳng phiu, chồng lên nhau vững chãi, nếu sử dụng thiết bị tiên tiến cũng mất hàng năm.

- Kỹ thuật xây dựng thành đến thời điểm này dường như vẫn còn nằm trong vòng bí mật?

Việc khai thác đá, chế tác, vận chuyển rồi chồng xếp đá từ thấp lên cao ở Thành nhà Hồ hiện vẫn rất bí ẩn. Làm thế nào trong thời gian ngắn, toàn bộ khối công việc xây dựng khổng lồ được làm theo ý định của “Tổng công trình sư” lại có thể tiến hành nhịp nhàng như thế? Thêm nữa, mặc dù đây là một công trình kỳ vĩ nhưng sử sách ghi lại không nhiều, một phần do thất lạc trong chiến tranh. Phần khác do giai đoạn hoàn thành là thời điểm Hồ Quý Ly chưa nắm quyền, chỉ là đại thần đứng đầu. Mà theo thông lệ, chỉ tập trung vào ghi các hành vi, sự kiện liên quan đến hoàng gia và nhà vua. Vì vậy, thông tin xung quanh tòa thành khá mịt mờ.

- Năm 2011, các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích của công trường đá cổ tại An Tôn. Đây có phải là nơi khai thác đá dùng xây dựng thành?

Đây là thông tin chính xác. Qua nghiên cứu địa hình địa mạo, An Tôn là núi đá gần thành nhất. Đá ở đó không chỉ giống nhau về chất mà giống nhau cả về hình dáng, vết chế tác. Đá xây thành được khai thác tại đây rồi mài kỹ trước khi sử dụng. Khi khai quật, cũng phát hiện lớp đá dày 1,40m có nhiều loại, có viên đục thô, đục phá, đục tinh, sau mài. Tại công trường cổ này cũng phát hiện một số vật dụng như mảnh bát, đĩa, ngói.

- Làm cách nào những khối đá khổng lồ đó có thể chuyển về xây dựng thành nếu chỉ sử dụng phương tiện thô sơ?

Những khối đá nặng tới 10-26 tấn không thể nào bê được. Những cần cẩu hiện đại bây giờ nếu được huy động cũng có thể bị gãy đổ. Nhiều giả thiết cho rằng sử dụng kênh rạch đường thủy để vận chuyển đá nhưng chứng minh cho điều này là rất khó. Đá có thể được kéo bằng đường bộ. Trong quá trình khai quật khảo cổ tại khu vực Thành nhà Hồ đã phát hiện nhiều bi đá lớn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là những viên bi được dùng để làm con lăn rồi dùng sức voi, trâu, ngựa, người để kéo đá nhưng ý kiến này cũng chưa được chứng minh. Nhiều khả năng những viên bi đó chính là đạn đá, dùng cho máy bắn đá để bảo vệ thành.

- Khi xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là di sản thế giới, chúng ta đã trả lời các chuyên gia như thế nào về việc khai thác đá ở đâu, xây dựng như thế nào?

Quả thực mọi câu hỏi lúc đó mới chỉ được lý giải bằng giả thiết nhưng sự hiện hữu của tòa thành khổng lồ qua hàng thế kỷ là chứng cứ thuyết phục nhất. Thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới là ở chỗ đó.

- Theo ông, việc bảo tồn di sản Thành nhà Hồ nên được thực hiện như thế nào?

Nếu có điều kiện thì bảo tồn nguyên trạng. Song trước mắt cần tìm cách bảo tồn chống xuống cấp, xói lở kết hợp với việc giữ gìn đường sá, cảnh quan, trồng cây xanh… Ngoài ra, khai quật nghiên cứu trong lòng đất để tìm hiểu diện mạo kiến trúc cung điện trong thành ra sao. Ngoài tòa thành như chúng ta đã biết, ở khu vực này còn có những ngôi nhà cổ quý giá, trong đó có nhà 9 gian ở cửa Tây, dấu tích đạo tụ tiên ở phía Nam thành… Cả khu vực không chỉ có công trình Thành nhà Hồ mà còn có những di sản văn hóa liên quan, cần bảo tồn, phục dựng một cách phù hợp để sống lại không gian văn hóa Việt cổ.

Mai An (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục