Rạp hát, rạp chiếu phim ở TPHCM đang “mất” dần!

Tìm về dấu xưa...
Rạp hát, rạp chiếu phim ở TPHCM đang “mất” dần!

TPHCM từng là nơi hoạt động nghệ thuật, chiếu phim sôi động nhất nước. Cả thành phố có khoảng 60 rạp hát, rạp chiếu phim, khán giả thỏa thích giải trí. Thế nhưng, theo thời gian, các rạp hát, rạp chiếu phim một thời “oanh liệt” ấy đang dần biến mất hoặc thay đổi công năng. Còn những dự án mới, sau nhiều năm triển khai đến giờ vẫn mãi nằm trên giấy!

Rạp Cầu Bông giờ là điểm kinh doanh billiard, cà phê. Ảnh: An Dung

Rạp Cầu Bông giờ là điểm kinh doanh billiard, cà phê. Ảnh: An Dung

Tìm về dấu xưa...

Nếu những ai đã từng đi xem hát, xem phim nhiều chục năm trước đây, giờ dạo quanh một vòng lại các địa điểm của một thời đông đúc khán giả, chắc hẳn sẽ không khỏi bùi ngùi. Bởi đến giờ, nhiều rạp hát, rạp chiếu phim đã biến mất hoặc thay đổi công năng hay đang xuống cấp trầm trọng. Có thể kể đến rạp Khải Hoàn ở góc đường Cống Quỳnh, quận 1 giờ đang treo bảng Trung tâm Kim khí điện máy; mặt tiền của Nhà hát Nhân Dân trên đường Trần Phú, quận 5, nơi từng biểu diễn cải lương phục vụ khán giả đông nhất Sài Gòn giờ bán quán cà phê.

Rạp Khải Hoàn (đường Nguyễn Trãi, quận 1) nay trở thành trung tâm thương mại. Ảnh: AN DUNG

Rạp Khải Hoàn (đường Nguyễn Trãi, quận 1) nay trở thành trung tâm thương mại. Ảnh: AN DUNG

Còn rạp chiếu phim Cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng nay là tụ điểm kinh doanh billiard, cà phê; rạp Quốc Thanh trên đường Nguyễn Trãi trở thành Trung tâm tiệc cưới Quốc Thanh; rạp Tân Định đường Hai Bà Trưng đã thành siêu thị sách; rạp Vinh Quang trên đường Pasteur từng là điểm diễn của Sân khấu kịch Sài Gòn và chiếu phim, rồi rạp Măng Non trên đường Đồng Khởi đã được đập bỏ cách nay mấy năm để xây dựng cao ốc; rạp Hồng Liên ở đường Hậu Giang giờ biến thành quán bar 4 trong 1...

Trong vòng xoáy của cơn lốc thị trường, còn nhiều rạp hát, rạp chiếu phim ở TPHCM đã chuyển đổi công năng, làm cao ốc, vũ trường, kinh doanh game online…

Bên cạnh đó một số rạp khác đang xuống cấp trầm trọng.

Nỗi niềm hiện tại

Hiện nay, Đoàn Nghệ thuật Hát bội TPHCM đang “tá túc” ở rạp hát Long Phụng đường Lý Tự Trọng, quận 1 đã xuống cấp trầm trọng. Khi trời nắng nóng, nghệ sĩ làm việc trong điều kiện mồ hôi ướt đẫm. Khi trời mưa, các phòng ốc bị dột tứ tung… Số phận của Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM cũng “te tua” không kém. Sau khi rạp Măng Non – nơi hoạt động của đoàn được bàn giao lại cho một đối tác xây dựng khu thương mại, cả đoàn được bố trí về “tạm trú” ở quận 11. Tuy nhiên, sau 2 năm, đến ngày 31-5-2012, đoàn hết được tạm trú và phải dọn đồ đạc đi nơi khác.

NSƯT Đức Thế, Trưởng đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM cho biết, chưa biết “đi đâu về đâu” nên trước mắt, phòng làm việc của anh em được bố trí tạm ở một… nhà kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TPHCM. Với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, điểm diễn rạp Hưng Đạo đã đập ra chờ xây mới, nhưng trước mắt địa điểm này đã được cho thuê làm nơi bán gốm sứ và rửa xe.

Với Đoàn xiếc TPHCM, mặc dù có rạp diễn ở Công viên 23-9, nhưng chưa biết chính thức khi nào phải “dọn nhà” đi nơi khác. Trong khi đó, dự án nhà hát đa năng dành cho xiếc được dự kiến xây dựng ở Phú Thọ đã kéo dài hơn 10 năm nay vẫn chưa khởi công, khiến cho xiếc vẫn mãi long đong.

Liệu có hướng ra?

Cách đây không lâu, ở các cuộc tọa đàm về sân khấu, một số “bầu” sân khấu, nghệ sĩ, đạo diễn tâm huyết cũng đã nhiều lần lên tiếng về những nghịch lý của rạp hát. Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn bức xúc: “Cách đây 5 – 7 năm, chúng tôi từng đánh tiếng với cơ quan chức năng, mong muốn được thuê rạp hát Olympic (nay là Trung tâm Văn hóa thành phố) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để xây dựng cao ốc với 2 sân khấu hiện đại, nhưng không nhận được sự đồng thuận”.

Hiện nay, các sân khấu xã hội hóa theo chủ trương của Nhà nước ở TPHCM hoạt động rất mạnh và hiệu quả, nhưng điểm diễn chỉ mang tính tạm bợ hoặc thuê mướn vài năm, rất khó để đầu tư các chương trình có chất lượng cao và phát triển bền vững.

Vì vậy, nếu đơn vị nghệ thuật công lập chưa đủ năng lực khai thác thì có thể cho các sân khấu xã hội hóa thuê mướn dài hạn để đầu tư, phục vụ công chúng thành phố. Với những dự án mới cũng cần khẩn trương thực hiện, tránh lãng phí và cản trở sự phát triển của văn hóa nghệ thuật TPHCM!

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục