Làn sóng... khoe thân

Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật xuất hiện vô số cuộc thi sắc đẹp, từ đó có nhiều danh hiệu người đẹp ra đời. Nhưng ngược lại với số lượng cuộc thi là chất lượng của không ít người đẹp.

Điều này đã được minh chứng theo thời gian, sau khi cuộc thi sắc đẹp kết thúc, không hiếm người đẹp, hoa hậu, á hậu… gần như bị chìm vào quên lãng và nếu không tái xuất hiện với các hình ảnh, câu chuyện gây sốc dư luận thì chẳng mấy ai nhớ tới danh hiệu của họ. Một số hoa hậu cố gắng làm “nóng” lại tên tuổi bằng các cơn sóng dữ: chụp ảnh khỏa thân “vì nghệ thuật, vì môi trường, vì từ thiện”, diện thời trang xuyên thấu, kiệm vải, lộ nội y…

Chuyện sống bám vào các scandal gây sốc dư luận để “sống – còn” trên các diễn đàn văn hóa nghệ thuật dần trở nên phổ biến rộng khắp, được không chỉ một số người đẹp, hoa hậu, người mẫu áp dụng mà có cả diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ non tay nghề, nhắm mắt chạy theo như một trào lưu thời thượng. Đáng trách hơn, những người hoạt động trong môi trường văn hóa nghệ thuật ấy lại xem cách quảng bá tên tuổi phản cảm, kém ý thức như vậy là rất bình thường, bất chấp dư luận chỉ trích.

Từ thực tế, khi xu hướng gây sốc có hiệu quả trên phương tiện truyền thông đại chúng, giúp nhiều tên tuổi đang hoạt động trong giới nghệ thuật có thể tồn tại lây lất trong ánh đèn sân khấu hoặc phim trường thì cũng tạo ra sự lộn xộn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: xem thường phát triển chuyên môn, giá trị nghề nghiệp; góp tay phát tán hình ảnh phản cảm, đồi trụy.

Việc trên các trang mạng ngày nay xuất hiện đầy rẫy hình ảnh khoe thân của hoa hậu, người đẹp, ca sĩ, người mẫu… cũng khiến cộng đồng mạng, nhất là công chúng trẻ ít nhiều ảnh hưởng về quan điểm thẩm mỹ dẫn đến xu hướng thưởng thức văn hóa nghệ thuật bị lệch lạc và có lối sống không lành mạnh. Bên cạnh đó, các thông tin bổ ích, tuyên truyền văn hóa nghệ thuật ngày càng nhạt nhẽo trên nhiều kênh thông tin đại chúng làm cho văn hóa nghệ thuật chân chính bị co hẹp, nhường chỗ cho nhiều sản phẩm phi văn hóa, thậm chí độc hại bung ra rất khó kiểm soát.

Các cuộc thi người đẹp, hoa hậu trong tương lai cần phải có quy định khó hơn về tiêu chuẩn trình độ học vấn, kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội… cho thí sinh, để các cuộc thi hoa hậu, người đẹp có chất lượng thể hiện được bản lĩnh người phụ nữ thời đại mới, có trình độ văn hóa, có ý thức thẩm mỹ nghệ thuật tốt và lối sống văn minh, lịch sự.

Ông bà ta thường nói “Cái nết đánh chết cái đẹp” nên bản chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam (bên cạnh những tiêu chuẩn về sắc vóc, trí tuệ, ứng xử có văn hóa...) vẫn luôn là điều cần thiết, bền vững và quan trọng hơn hết.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục