Nỗi buồn thần tượng!

Đề thi môn văn (khối D) trong kỳ thi đại học cách nay mấy tháng đã trở thành một trong các đề thi gây tranh cãi lớn trong giới trẻ nhiều năm trở lại đây. Nội dung đề thi khá lạ: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa…”.

Đề thi môn văn (khối D) trong kỳ thi đại học cách nay mấy tháng đã trở thành một trong các đề thi gây tranh cãi lớn trong giới trẻ nhiều năm trở lại đây. Nội dung đề thi khá lạ: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa…”.

Đề thi này chẳng qua chỉ là phản ánh một hiện thực xã hội hiện nay, đó chính là sự cuồng nhiệt thái quá của một bộ phận giới trẻ với các ngôi sao nghệ thuật mà cụ thể là sự hâm mộ quá trớn với các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc (Kpop).

Nếu chỉ là sưu tầm các MV (music video), các album, hình ảnh của nghệ sĩ, rồi thành lập nhóm hâm mộ, chia sẻ các thông tin mới nhất về thần tượng thì chẳng ai nói gì. Nhưng có lẽ nhận thấy như thế chưa đủ thể hiện sự “nhiệt tình” của mình với thần tượng mà một số bạn trẻ còn có những hành động ngày càng dữ dội như tổ chức sinh nhật cho thần tượng (dù thần tượng vẫn ở tận Hàn Quốc xa xôi), tổ chức đám ma khi người thân thần tượng mất (cũng vẫn đang ở tận Hàn Quốc)… và khi các nghệ sĩ qua Việt Nam giao lưu, biểu diễn thì các bậc cha mẹ, phụ huynh không khỏi đau lòng trước hình ảnh những cô gái tuổi vừa mới lớn nằm vạ vật ở sân bay để chờ, lăn lộn khóc lóc khi thấy bóng thần tượng, xỉu lên xỉu xuống vì không được chạm vào thần tượng, rượt đuổi theo xe chở thần tượng, bao vây khách sạn… và đỉnh điểm là các chiêu như quỳ lạy khi thấy thần tượng, hôn ghế mà thần tượng ngồi, dọa giết cha mẹ nếu không cho đi xem thần tượng biểu diễn…!!!

Ban đầu, người ta còn quy những hiện tượng ở trên là “sự mềm yếu của phái nữ” khi thực hiện hành vi trên đều là các cô gái. Thế nhưng, mới đây hình ảnh các chàng trai cũng tuổi mới lớn vật vã ôm nhau khóc lóc ngoài sân bay chỉ vì có mấy cô ca sĩ mà họ hâm mộ qua Việt Nam đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận. Hình ảnh “Nam nhi nước mắt chảy vào trong”, “Đàn ông thà đổ máu chứ không rơi lệ”… bỗng chốc bay sạch với hình ảnh những thanh niên mếu máo lảm nhảm gọi tên các cô ca sĩ Hàn Quốc.

Nếu mấy lần trước, sự phản ứng chỉ là chê bai thì lần này sự phản ứng đã chuyển thành phẫn nộ, coi hành động đó là sự xúc phạm đến thanh niên Việt Nam. “Không ai cấm các bạn khóc nhưng cũng không thể cấm người khác ghét bạn khi thấy những giọt nước mắt bạn đổ ra thật lố lăng”, một bạn trẻ đã viết trên mạng như thế.

Các bậc phụ huynh, những người chứng kiến những đứa con của mình thực hiện những hành vi “cuồng” như thế chắc chẳng vui vẻ chút nào. Nhiều bậc phụ huynh đã sợ run lên mỗi khi nghe nói có “thần tượng” của con sắp qua Việt Nam.

Vậy ngoài tự bản thân các bạn trẻ bị cuốn theo những ham muốn nhất thời thì còn ai phải chịu trách nhiệm về thực trạng một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam đang phát cuồng vì những làn sóng văn hóa ngoại lai? Là do phụ huynh thiếu quan tâm đến con em hay là những nhà quản lý để nhạc Hàn tràn ngập các kênh truyền hình giải trí hoặc những nhà tổ chức mà vì lợi nhuận liên tiếp tạo điều kiện để các ngôi sao Hàn cấp tập qua Việt Nam, không chỉ lấy đi ngoại tệ, văn hóa mà lấy cả tự trọng ở nhiều bạn trẻ?

Trách những thiếu niên mê muội một thì lẽ ra phải trách những người tiếp tay tạo nên sự mê muội đó đến mười lần!

Tân Tường

Tin cùng chuyên mục