Nhạc số - xài miễn phí đến bao giờ?

Mới ló dạng đã ảm đạm!
Nhạc số - xài miễn phí đến bao giờ?

Nhạc số (digital) vốn là vấn đề nhức nhối của các đơn vị sản xuất lẫn các nghệ sĩ bởi những sản phẩm của họ đang được đăng tải lan tràn tự do trên mạng Internet với con số doanh thu gần như bằng không.

Người tiêu dùng có thể thưởng thức nhạc số ở bất kỳ nơi đâu có mạng Internet.

Người tiêu dùng có thể thưởng thức nhạc số ở bất kỳ nơi đâu có mạng Internet.

Mới ló dạng đã ảm đạm!

Tâm lý chung của người tiêu dùng luôn muốn được thụ hưởng các dịch vụ miễn phí, không mất tiền. Khi thời đại Internet lên ngôi, việc chia sẻ thông tin, dịch vụ càng trở nên dễ dàng hơn. Chỉ với vài thao tác gởi dữ liệu qua các mạng xã hội hay các dịch vụ trò chuyện trực tuyến, người dùng đã có thể chia sẻ với cả thế giới những gì họ có hoặc tải về những gì họ cần, hoàn toàn miễn phí.

Thêm vào đó, các phần mềm hỗ trợ truyền tải như Internet Download Manager, FlashGot… còn cho phép người dùng trực tiếp tải các sản phẩm giải trí từ những trang trực tuyến với tốc độ truyền tải được nâng lên 30%-50% so với tốc độ thông thường. Không chỉ thế, với việc nâng cấp mạng cáp quang, nâng cấp đường truyền ADSL hoặc cho ra đời mạng 3G cũng góp phần tạo điều kiện cho việc thưởng thức trực tuyến suôn sẻ và nhanh chóng, không bị hạn chế.

Tình trạng này phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp mà nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ chính các đơn vị kinh doanh giải trí trực tuyến. Ở các nước phát triển, những đơn vị kinh doanh giải trí trực tuyến chỉ cho xem miễn phí sản phẩm với thời lượng nhất định và đặt ra yêu cầu người tiêu dùng phải trả một khoản phí mới có thể được thưởng thức trọn vẹn sản phẩm.

Ngược lại, tại Việt Nam, khi có kiến nghị thu phí đưa ra cho người tiêu dùng nhạc số, các trang giải trí trực tuyến vẫn cho phép người tiêu dùng thưởng thức sản phẩm trọn vẹn ở hình thức trực tuyến, chỉ thu phí nếu như người tiêu dùng muốn tải về máy tính cá nhân. Chưa kể, chính sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị giải trí trực tuyến trong việc cho phép các thành viên chia sẻ với nhau các sản phẩm nhạc số trên chính trang web của mình từ bất kỳ nguồn nào, nên tình hình thu phí nhạc số trở nên ảm đạm.

Thêm vào đó, việc hiện tại chỉ có 5 đơn vị kinh doanh giải trí trực tuyến thực hiện áp dụng thu phí trên tổng số hơn 150 đơn vị kinh doanh có đăng ký tại Việt Nam là một con số quá ít. Người dùng có thể chọn sử dụng 145 đơn vị còn lại vẫn đang cung cấp sản phẩm miễn phí. Điều này giống chuyện buôn bán mới nhen lên đã gặp cảnh chợ chiều!

Đầu năm 2013, một số đơn vị giải trí trực tuyến sẽ áp dụng mức phí tải về máy là 1.000 đồng/bài hát.

Đầu năm 2013, một số đơn vị giải trí trực tuyến sẽ áp dụng mức phí tải về máy là 1.000 đồng/bài hát.

Năm 2013 thu phí, có khả thi?

Không phủ nhận rằng vẫn có một bộ phận cộng đồng mạng tán đồng và sẵn lòng chi trả cho các sản phẩm nhạc số mà họ sử dụng. Đây là yếu tố tích cực và đáng được nêu gương, bởi đó là động lực cho các nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ sáng tạo sản phẩm giải trí khác nhằm phục vụ công chúng.

Cũng có một bộ phận người tiêu dùng có nhu cầu và tâm lý tự nguyện chi trả phí, nhưng họ thiếu các nguồn thông tin dẫn đến sự hoang mang. Đa phần băn khoăn về việc thanh toán phí, bởi không ít người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với hình thức thanh toán trực tuyến thông qua chuyển khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng sản phẩm thu phí cũng là nội dung được nhiều người quan tâm. Chất lượng hiện tại được cung cấp thường là mp3 128kbs - còn thấp so với chất lượng được người yêu nhạc ưa chuộng là mp3 320kbs hoặc m4a, flac.

Bất cập là thế, lộ trình thu phí nhạc số đang được dời sang đầu năm 2013 để hoàn tất khâu chuẩn bị. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh hay những thông tin cụ thể gì từ các đơn vị cung cấp nhạc số quanh vấn đề nóng bỏng này.

Nhạc số là một sản phẩm vô hình nhưng chung quy vẫn là một phần tài sản trí tuệ của người nghệ sĩ và các đơn vị sản xuất. Chính vì vậy, việc trả phí để sở hữu sản phẩm này là một điều tất nhiên và cũng để tuân thủ pháp luật, đó còn là cách thể hiện lối sống văn hóa hiện đại của người tiêu dùng.

Mặt khác, các nhà cung cấp giải trí trực tuyến cũng nên nỗ lực, kiên trì và có kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn trong việc phổ biến thông tin và đơn giản hóa phương thức thanh toán các sản phẩm nhạc số cho người nghe nhạc, đồng thời đảm bảo đúng chất lượng như đã quảng cáo trước, góp phần giúp cộng đồng mạng xây dựng thói quen tốt trong việc trả phí để sử dụng các sản phẩm nhạc số.

Lâm Phong

Tin cùng chuyên mục