Hài vô duyên!

Hôm rồi vào chợ N.T.P. ở quận 10, TPHCM xẹt ngang quầy rau của chị H. liền bị chị kêu lại than vãn: “Em làm báo phải không? Em phản ánh ý kiến của tụi chị giùm đi, nói mấy ông nhà đài xem lại như thế nào đi chứ để trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc mấy câu chuyện hài nhảm nhí, thô thiển thiệt là kém văn hóa quá. Có mấy cái tiểu phẩm hài vô duyên đến độ nghệ sĩ diễn cảnh chợ búa như gây lộn, xài luôn mấy cái ngôn từ mà chị em bán ngoài chợ này cũng không ai nói như thế! Bây giờ có chợ văn minh mà, cái kiểu “hàng tôm hàng cá” xa xưa làm gì còn mà tương lên truyền hình”.

Thật ra, bức xúc của chị cũng là bức xúc của bao khán giả truyền hình yêu thích nghệ thuật hài kịch. Hồi trung tuần tháng 6 này, trên kênh SCTV1 trình chiếu một tiểu phẩm hài với nội dung: có một đôi trẻ yêu nhau nhưng bị gia đình cô gái ngăn cản vì chàng trai là cậu sinh viên nghèo, cậu phải vừa học vừa chạy xe ôm thêm để kiếm tiền đóng tiền học và trang trải chi phí sinh hoạt thường nhật. Gia đình cô gái muốn gả con cho người nước ngoài nên làm mọi cách để chia cách đôi trẻ. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu ba của cô gái không nhấn mạnh và lặp đi lặp lại cả chục lần câu miệt thị cậu sinh viên rằng: “Nghèo cũng bày đặt… mặc quần”. Thật quá vô duyên!

Thực tế hiện nay có nhiều tiểu phẩm hài nghiện cái kiểu đâm chọt thân phận nghèo hèn của những số phận không may, lấy sự tật nguyền, khiếm khuyết của con người đem vào tiểu phẩm để cố tạo nên tiếng cười cho khán giả. Khi khán giả không cười nổi với tiểu phẩm hài thì xài chiêu đem tiếng cười rần rần đã thu sẵn nhét xen kẽ vào trong các tiểu phẩm để tạo thêm sự hứng khởi cho người xem, dù nội dung, cách thức diễn tấu rất trơ, vô duyên.

Chuyện không ít nghệ sĩ hài diễn nhố nhăng, không có sự đầu tư về chuyên môn, xào tới xào lui mấy cái tiểu phẩm kém chất, nhiều tình huống diễn xuất thô thiển, gượng ép… là có thật và tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua. Có thể khẳng định, nguyên nhân lớn xuất phát từ việc thiếu những kịch bản hài chất lượng, thiếu những tác giả chuyên nghiệp sáng tác tiểu phẩm, kịch hài.

Tiểu phẩm hài thường xuất phát từ sự thăng hoa của nghệ sĩ, tuy nhiên, vừa là nghệ sĩ đi diễn, vừa là tác giả, vừa là đạo diễn, lại còn chạy một ngày mấy show tất bật… thì không thể nào đầu tư chất lượng cho tác phẩm. Thế nên sân khấu hài đưa ra không ít tiểu phẩm hài kém chất. Tất cả những nguyên nhân đó đã và đang góp phần tạo nên sự xuống dốc của nghệ thuật tấu hài.

Duyên hài không phải tự dưng mà có. Muốn đạt được cái duyên ấy thì cần phải được hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố: chất lượng của tác phẩm, sự đầu tư phát triển nghệ thuật hài, tài năng biểu diễn của nghệ sĩ… Không đạt được chất lượng nghệ thuật mà cứ ép cười là vô duyên!

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục