Tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn

Tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn

Nằm trong chương trình tôn vinh những nhà văn có đóng góp lớn cho nền văn học, văn hóa dân tộc, cách mạng, vào tháng 7-2008, Hội Nhà văn  (HNV) TPHCM cùng Nhóm văn chương Hồn Việt (NVCHV) đã tổ chức Hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Hôm nay 6-6, HNV TPHCM cùng NVCHV tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn.

Ngày 17-6-2003,  Thu Bồn, một trong những nhà thơ, nhà văn xuất sắc của nền văn học cách mạng Việt Nam đã qua đời lúc 19 giớ 15 phút tại TPHCM.

Thu Bồn tên khai sinh: Hà Đức Trọng, sinh ngày 1-12-1935, tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1962.

Nhà thơ Thu Bồn và mẹ

Nhà thơ Thu Bồn và mẹ

Xuất thân trong một gia đình yêu nước, cách mạng, Thu Bồn tham gia thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông có mặt tại các chiến trường gian khổ và ác liệt như Tây Nguyên, Khu 5 (Trung Trung bộ), Quảng Trị…

Ông từng là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ; biên tập viên, cán bộ sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đất nước thống nhất, ông lại có mặt tại mặt trận biên giới Tây Nam và cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất Campuchia, giúp nhân dân nước bạn tiêu diệt bọn Pôn Pốt diệt chủng.

Thu Bồn là một người lính thực thụ. Đồng bào Tây Nguyên thương yêu quý mến ông, một nhà thơ-chiến sĩ. Trong những năm chiến tranh vô cùng ác liệt, Thu Bồn đã lặn lội hết chiến trường này đến chiến trường khác, cùng sống và chiến đấu với nhân dân…

Tinh thần xả thân vì nước mãi mãi ngấm sâu vào tim óc nhà thơ, âm vang sâu sắc trong những bản trường ca, những bài thơ và sôi sục trong những cuốn tiểu thuyết. Lãng mạn đến tột đỉnh, yêu thương nồng cháy, hiện thực đến tươi rói, là tinh thần chủ đạo trong các tác phẩm văn, thơ của Thu Bồn.

Tác phẩm chính của Thu Bồn gồm 7 trường ca và 4 tập thơ: Bài ca chim Chrao (trường ca, 1962); Tre xanh (thơ, 1969); Mặt đất không quên (thơ, 1970); Quê hương mặt trời vàng (trường ca, 1975); Badan khát (trường ca, 1976); Campuchia hy vọng (trường ca, 1978); Oran 76 ngọn (trường ca, 1979); Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985); Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985); Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992); Ôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999).

Văn xuôi Thu Bồn có 9 tiểu thuyết (có 2 bộ 2 tập) và 2 tập truyện ngắn: Chớp trắng (tiểu thuyết, 1970); Hòn đảo chân ren (tiểu thuyết, 1972); Dòng sông tuổi thơ (tiểu thuyết, 1973); Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết, 2 tập, 1975); Em bé trong rừng thốt nốt (truyện ngắn, 1979); Đỉnh núi (tiểu thuyết, 1980); Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết, 1986); Vùng pháo sáng (tiểu thuyết, 1986); Cửa ngõ miền Tây (tiểu thuyết, 1986); Em bé vào hang cọp (tiểu thuyết, 2 tập, 1986); Dưới tro (truyện ngắn, 1986).

Thu Bồn đã được tặng Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Á-Phi năm 1973, với trường ca Bài ca chim Chrao; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 2001.

Tại lễ tưởng niệm tổ chức vào hôm nay, 6-6, sẽ có hơn 10 bản tham luận và nhiều ý kiến phát biểu của các nhà văn, nhà thơ, các giáo sư văn chương, những người bạn thân của Thu Bồn, những người yêu quý thơ Thu Bồn.

Giới nhà văn TPHCM tưởng nhớ nhà thơ chiến sĩ xuất sắc Thu Bồn, ghi nhận những cống hiến của ông để củng cố niềm tin và tiếp tục dấn thân vì nền văn học cách mạng, dân tộc và nhân văn.

Triệu Xuân

Tin cùng chuyên mục