Vị Chủ tịch TP Hà Nội “lâu nhất, được dân yêu nhất”

Vị Chủ tịch TP Hà Nội “lâu nhất, được dân yêu nhất”

Mặc dù ông chưa hề viết một dòng hồi ký nào, song bác sĩ Trần Duy Hưng (1912 - 1988) hẳn là một trong những người Hà Nội từng được nhắc đến nhiều hơn ai hết. Nói về ông, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã dành những nhận xét đầy trân trọng: ông là “vị Chủ tịch thành phố lâu nhất, giỏi nhất, được dân yêu nhất”.

Vị Chủ tịch TP Hà Nội “lâu nhất, được dân yêu nhất” ảnh 1
Cố bác sĩ, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng.

Lâu nhất, bởi ông nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội ngay sau Cách mạng tháng 8- 1945, rồi rời Hà Nội lên chiến khu cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến; trở về thủ đô năm 1954 với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông lại được giao trọng trách Chủ tịch TP Hà Nội cho đến tận khi về hưu (năm 1977).

Tổng cộng bác sĩ Trần Duy Hưng có tới 25 năm làm Chủ tịch thành phố Hà Nội. Còn “được dân yêu nhất” một phần là vì lối sống giản dị, liêm khiết của ông.

Những ngày đầu của chính quyền Cách mạng, ngân khố cạn kiệt, không ít những cuộc đưa đón khách quốc tế, gia đình vị Chủ tịch Hà Nội (lúc ấy mới 33 tuổi) phải ráng mà lo! Phu nhân của ông, bà Nhữ Thị Tý nhớ lại: “Hồi đó, mỗi lần có khách, chị em chúng tôi ứng tiền nhà ra mua sắm, nấu nướng. Tiệc tùng xong, sau mới đưa tiền. Tiền ấy do ông Nguyễn Cơ Thạch, Khuất Duy Tiến đi vay, đi quyên, nhiều lần không đủ chúng tôi cũng coi như đóng góp chút ít cho Cách mạng. Khi mới giành độc lập, nhiều người Hà Nội góp của, kể cả ngàn cây vàng như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, chúng tôi chỉ góp chút công mọn, kể ra chẳng đáng là bao”.

Làm Chủ tịch TP Hà Nội (hàm tương đương Bộ trưởng), mãi đến năm 1969, cán bộ dưới quyền mới phát hiện ra lâu nay ông chỉ lĩnh lương ngang cấp Thứ trưởng! Mà có lẽ lúc sinh thời ông cũng không biết chính xác mức lương của mình. 

Đại gia đình của ông (bác sĩ Trần Duy Hưng có 7 người con ruột và nuôi 2 người con của người em trai liệt sĩ) đều do một tay người vợ hiền của ông xoay xở, thu vén. Những ngày ở Việt Bắc, một tay bà lo trồng sắn, nuôi dê, nuôi lợn... Vất vả lắm mới đủ ăn, lại còn khách khứa, bởi ông rất nhiều bạn bè.

Cách mạng thành công, từ chiến khu trở về, gia cảnh của ông cũng không dư dật gì. Nhiều lần đến thăm gia đình ông, Bác Hồ vẫn bảo: “Chú thím nghèo, đông con, chưa lo được gì cho con cái cả”.

Người con trai thứ hai của ông, ông Trần Tiến Đức kể, mỗi tháng gia đình có vài lần “ăn tươi”. Phiếu thịt của ông và bà, còn phải dành mua mỡ để xào rau… Phu nhân của vị Chủ tịch TP Hà Nội chưa một lần theo chồng xuất ngoại và cũng chưa một lần can dự vào công việc của ông hay đề nghị điều gì cho bất kỳ ai với tâm niệm “chồng làm Chủ tịch thành phố, vợ càng phải giữ gìn”.

“Năm 1958, em ruột của ông cụ có cửa hàng bị cải tạo công thương nghiệp theo diện tư sản, có đến phàn nàn với ông cụ. Ông cụ chỉ động viên em gái cố gắng thực hiện chủ trương của Nhà nước”, ông Trần Tiến Đức nhớ lại.

Bác sĩ Trần Duy Hưng có 3 con trai thì hai người đi bộ đội, vào tuyến lửa hẳn hoi. Con trai út của ông, Trần Chiến Thắng, nhập ngũ giữa mùa hè năm 1972, tiếc rẻ mãi chiếc ba lô bị thất lạc trong chiến trường Quảng Trị, trong đó có nhiều lá thư mà vị Chủ tịch thành phố viết cho con trai.

Ông viết giữa những trận bom B52 oanh tạc Hà Nội, giữa những lần trực tiếp đi cứu thương, chữa cháy, khi khói bom còn chưa tan hết.

Dưới thời ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch, Hà Nội từng có những chính sách đột phá khá mạnh mẽ. Ngay từ những năm 60, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho công chức, nhưng được sự nhất trí cao của Thành ủy, Hà Nội đã triển khai bán căn hộ theo cách trả dần để thành phố có thêm ngân sách, còn các gia đình cũng có điều kiện để sửa sang cho nhà cửa đẹp hơn. Sau đó, do có Bộ phản đối quyết liệt nên không thực hiện tiếp được.

Cũng vào cuối những năm 60, chính Chủ tịch Trần Duy Hưng đã từng gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, biến con sông thành một tài nguyên cảnh quan, du lịch vô giá, chấm dứt cảnh nhà cửa nhất loạt “ngoảnh lưng ra sông”.

Một chi tiết đáng nói thêm: vị Chủ tịch có tư tưởng đột phá ấy là người chưa từng có thư ký hay giúp việc riêng. Ông tự tay soạn thảo tất cả các công văn, thư từ, phát biểu... Trừ những lúc đi công tác xa hay phải thực hiện các nghi lễ ngoại giao, còn thì ông tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc, kiểm tra chống lụt bão, hộ đê… 

Bởi vậy, nay khi nhắc đến ông, rất nhiều người dân Hà Nội vẫn nhớ đến ông như một trí thức Cách mạng mẫu mực, một vị lãnh đạo có tài, sâu sát, nhưng khiêm nhường, giản dị và liêm khiết.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục