Thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi

(SGGPO).-

(SGGPO).-  Sáng 30-3, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) đã họp thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi (TTHS) do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân Tối cao (VKSNDTC) chủ trì soạn thảo.
 
Về căn cứ và thời hạn tạm giam, ban soạn thảo đề xuất phương án chỉ áp dụng tạm giam khi có căn cứ xác định người đó cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn hoặc không có nơi cư trú rõ ràng, nhằm khắc phục lạm dụng tạm giam. Đồng thời, giảm thời gian tạm giam theo hướng chỉ gia hạn một lần thay vì hai lần như hiện hành đối với tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, hai lần thay vì ba lần đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu dự thảo của UBTP có quan điểm khác, theo đó đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, có thể tạm giam đối với tội đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng và yêu cầu làm rõ các tiêu chí về căn cứ để áp dụng cho các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng.
 
Đặc biệt, quy định theo hướng bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình, mớm cung; bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
 
Về nội dung được coi là có sự đột phá này, đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của UBTP cho rằng quy định bắt buộc trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi. Để chống bức cung, nhục hình thì cần quy định theo hướng: trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình, như trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can phạm tội có thể bị chung thân, tử hình.
 
Phát biểu tại phiên họp, ông Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án TAND TPHCM cho rằng quy định bổ sung những điều làm chứng cứ như ghi âm, bản khai... cũng như quy định cho phép được chụp ảnh, ghi chép lời khai là không khả thi vì không thể đưa bút cho can phạm. Ngoài ra, ở trại tạm giam cũng không sẵn có máy photocopy, máy ảnh...
 
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra rằng đây là quy định không thực tế. Theo ông Chung, cả nước mỗi năm có hàng trăm ngàn đối tượng hình sự. Lời khai của đối tượng trong thời gian tạm giam, tạm giữ chỉ là một chứng cứ, nếu bắt buộc phải photo thì “sức đâu cho xuể và rất lãng phí”. “Cần có nghiên cứu tổng kết thực tiễn”, ông Chung bình luận.  Vẫn ông Nguyễn Đức Chung nhận xét, “ghi âm, ghi hình mà bí mật như dự thảo đề xuất thì không được xem là chứng cứ trước Tòa”. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục