Thị trường xuất bản nhiều năm qua ghi nhận sự lên ngôi của những tác giả trẻ thông qua số lượng sách được in hay việc có tên trong danh sách best seller. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là bề nổi đến từ những tác giả trẻ đi theo dòng văn học đại chúng.
Ở chiều ngược lại, có không ít tác giả trẻ chấp nhận đi con đường hẹp, lặng lẽ âm thầm bên những trang viết để mang đến cho độc giả những tác phẩm có giá trị, ghi dấu ấn sáng tạo về nghệ thuật.
1. Không quá lời khi cho rằng, các tác giả trẻ viết theo dòng văn chương thị trường chính là “con gà đẻ trứng vàng” cho một số đơn vị xuất bản. Với sức hút của họ, mỗi đầu sách bao giờ cũng được in hàng chục ngàn bản. Ngược lại, số tiền nhuận bút mà các tác giả kia nhận được cũng tỷ lệ thuận với số lượng sách được in. Mức nhuận bút thường phổ biến là 10% cho các tác giả, nhưng nếu tác giả thực sự “hot”, mức nhuận bút sẽ là 12% - 15%.
Những năm gần đây, ngành xuất bản đối mặt với rất nhiều khó khăn khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, người ta ít đọc sách in hơn. Việc các nhà xuất bản lựa chọn dòng sách phù hợp với thị hiếu độc giả, mang lại doanh thu cao là điều dễ hiểu. Khi đó, những tác giả chọn văn chương chính thống, đề cao những thể nghiệm nghệ thuật mới mẻ, đành chịu cảnh chật vật trong việc xuất bản cũng như tiếp cận độc giả.
Bạn đọc tìm mua sách tại Hội sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nói như vậy không có nghĩa những tác giả này đã “hết cửa”. Trên thực tế, vẫn có những đơn vị sẵn sàng in tác phẩm của họ, dù số lượng thường dao động chỉ từ 1.000 - 2.000 cuốn. Mặc dù lượng độc giả không nhiều, nhưng bù lại họ được giới chuyên môn ghi nhận bởi những nỗ lực trong việc đầu tư, làm mới tác phẩm của mình. Với kinh nghiệm làm biên tập viên hơn 10 năm nay, nhà văn Đỗ Tiến Thụy nhìn nhận: “Các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X bắt đầu có ý thức rất rõ ràng về chất nghệ thuật trong mỗi sáng tác của mình. Họ không hài lòng phản ánh cuộc sống bằng giọng văn như thông thường mà bắt đầu sử dụng những “ngón nghề” như tâm linh, thủ pháp giấc mơ, kỳ ảo, thậm chí pha cả giả tưởng. Có những tác giả đã tạo được giá trị trong tác phẩm của mình như Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nhụy Nguyên, Đinh Phương, Kiều Duy Khánh, Cao Nguyệt Nguyên, Bảo Thương, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu...”.
Để minh chứng cho nhận định của nhà văn Đỗ Tiến Thụy, có thể nhìn sang cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6. So với những lần trước, ở lần 6 cuộc thi không chỉ giới thiệu đến công chúng một loạt tác giả trẻ (chủ yếu là 9X) mà còn ghi nhận sức sáng tạo và sự dấn thân mãnh liệt vào hành trình văn chương vốn đầy cam go. Ngoài phản ánh hiện thực xã hội, nhiều tác giả còn mạnh dạn khai thác những đề tài mới mẻ, thậm chí là những đề tài vốn là nỗi e ngại của không ít người viết. 2. Sinh năm 1997, là tác giả trẻ nhất trong số 20 tác giả vào chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6, nhưng Phạm Thúy Quỳnh lại khiến nhiều người bất ngờ khi khai thác cuộc đời Lê Long Đĩnh - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê. Trước đó, Phạm Thúy Quỳnh cũng đã in hai tập truyện ngắn là Nhện, Trịnh và thiên thu và Sợi chỉ đỏ kết nối, tự tạo khác biệt với những người trẻ khác thông qua sử dụng chất liệu lịch sử và văn hóa dân gian. Cũng chọn đề tài lịch sử nhưng tiểu thuyết Nhân gian nằm nghiêng cho thấy trí tưởng tượng phong phú và rộng mở từ tác giả Đặng Hằng (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Sử dụng thủ pháp xuyên không, Đặng Hằng dẫn dắt người đọc ngược về quá khứ thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông qua tài năng tái hiện không gian, bối cảnh lẫn văn hóa của thời kỳ này. Ngoài ra, không thể không kể đến Nguyễn Thị Kim Hòa, nỗ lực không ngừng và lựa chọn văn chương là sự dấn thân nghiêm túc. Kim Hòa mang đến Cửa sổ phía đông, một tác phẩm viết về đề tài hậu chiến với bút pháp mới lạ. Ngoài cuộc thi Văn học tuổi 20, trên văn đàn hiện nay cũng ghi nhận nhiều tác giả trẻ chấp nhận đi ngược số đông, sẵn sàng từ bỏ hấp lực từ nhuận bút, hay số lượng sách lên đến hàng chục ngàn bản, nhưng lại nhàn nhạt, dễ dãi, chiều theo thị hiếu của độc giả. Có thể kể đến Thái Cường, cây bút thuộc thế hệ 9X với lựa chọn thể loại tiểu thuyết ngay từ lúc xuất hiện. Đến nay, Thái Cường đã là tác giả của hai tiểu thuyết Những mảnh mắt nhìn và Gam lam không thực, mang đến những dấu ấn sáng tạo rõ nét. Ở tác phẩm đầu, Thái Cường sử dụng lối viết tiểu thuyết - từ điển; sang tác phẩm thứ hai, Cường sử dụng kỹ thuật truyện lồng trong truyện. Rồi những cái tên như Văn Thành Lê, Huỳnh Trọng Khang, Trương Tuấn, Tiểu Quyên… 3. Dù được giới chuyên môn đánh giá cao và cũng đang nỗ lực làm chủ văn đàn hiện nay nhưng đời sống văn chương, đặc biệt là không khí sáng tác ở các tác giả trẻ đang có vẻ trầm lắng, thiếu những tác giả dám đánh cược tuổi trẻ của mình với trang viết. Một vài tác giả thành công sớm có vẻ hài lòng và chững lại. Có lẽ một phần do mưu sinh chi phối và một nguyên nhân nữa là vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội địa phương giảm sức hút với các cây viết trẻ nên nhu cầu tạo danh bằng hội đoàn không còn quyết liệt như các thế hệ trước. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy cũng chỉ ra cái thiếu của những tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X và 9X, đó là sự vật vã, trăn trở với thời cuộc. “Và cái thiếu nghiêm trọng nhất, đó là chất sống. Đọc tác phẩm của các bạn ấy, tôi nhận thấy trong đó thường là sự sạch sẽ, sáng choang nhưng thiếu cái hồn cốt được chưng cất từ cuộc sống; mà văn chương viết giỏi chưa chắc đã hay nếu thiếu cái hồn cốt. Ngược lại, có những tác phẩm còn vụng về, thậm chí thật thà, ngô nghê nhưng vẫn cuốn hút độc giả nhờ cái tâm cái tình tác giả gửi trong đó”, anh nói. Theo nhà văn, không có cách nào khác là phải lăn vào cuộc sống, chấp nhận đến những nơi xa xôi, gian khó. Chia sẻ của nhà văn Đỗ Tiến Thụy cũng chính là quan niệm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc còn sống: “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được”. Hai ý kiến đến từ hai thế hệ đi trước, đều có thể xem như là tham chiếu quý giá cho những người viết trẻ có khao khát đi được đường dài với văn chương.