Vẫn giữ mô hình Đại học Quốc gia, đại học vùng
Về hệ thống cơ sở GDĐH, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH gồm trường Đại học và Đại học, Học viện và các cơ sở GDĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó trường Đại học được coi là hạt nhân cơ bản, nền tảng của hệ thống.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã nêu rõ vấn đề về mô hình tổ chức cơ sở GDĐH gây nhiều tranh luận trái chiều trong quá trình góp ý xây dựng luật. Cụ thể, một số ý kiến đề nghị bỏ mô hình Đại học Quốc gia, Đại học vùng hiện nay vì cho là lãng phí, không hiệu quả. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, mô hình đại học ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp. Theo đó, vẫn mô hình 2 cấp, trường đại học và đại học như hiện nay, phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, đảm bảo ổn định hệ thống đại học hiện tại. Đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong. Luật tiếp thu ý kiến đại biểu ở chỗ không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở GDĐH tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình.
Đủ điều kiện sẽ được tự mở ngành đào tạo, trừ y dược, sư phạm, an ninh, quốc phòng
Về đẩy mạnh tự chủ đại học, Luật quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng; quy định cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở GDĐH; bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản.
Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ, theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở GDĐH phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật. Đồng thời luật cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở GDĐH, do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực. Luật cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản và cụ thể hóa các nội dung này.
Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn như: về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học… đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo. Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở GDĐH đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của GDĐH, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở GDĐH tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Theo giải trình của UBTVQH, loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra.. của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.
Liên quan đến đào tạo trong lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà vừa qua Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế còn nhiều tranh luận, tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể về trình độ, văn bằng chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với cơ sở GDĐH công lập
Vừa qua, khi thảo luận dự án Luật này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm rõ chủ sở hữu đối với cơ sở GDĐH công lập; quyền của chủ sở hữu trong các vấn đề về tổ chức, nhân sự, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở GDĐH thuộc sở hữu của mình. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, “đại học không thể vô chủ”
Theo giải trình của UBTVQH, yêu cầu làm rõ vấn đề sở hữu đối với cơ sở GDĐH là hoàn toàn xác đáng và cần thiết. Dự thảo Luật đã phân biệt rõ 2 loại hình là trường công lập và trường tư thục. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp. Hội đồng trường (trong trường công lập) được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cơ sở GDĐH như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật.
Tương tự, trường tư thục do nhà đầu tư là tổ chức, tập thể hoặc tư nhân thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên nhà đầu tư có quyền tham gia vào hội đồng trường để tác động đến tổ chức – nhân sự, tài chính – tài sản, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các thiết chế trong nhà trường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã hoàn thiện để thể hiện rõ hơn quan điểm này trong Dự thảo Luật tại các Điều 7 và Điều 16, Điều 18, Điều 32…