Vài nét về âm nhạc giải phóng

“Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, dựng xây non nước sáng tươi muôn đời” là câu kết bài hát Giải phóng miền Nam (1), bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Một chính ca hùng tráng, một hiệu triệu toàn dân “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
“Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, dựng xây non nước sáng tươi muôn đời” là câu kết bài hát Giải phóng miền Nam (1), bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Một chính ca hùng tráng, một hiệu triệu toàn dân “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã ghi: “Còn non, còn nước, còn người,/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Chỉ với thời gian từ 1954 - 1959, “Trong hoàn cảnh ác liệt, chiến trường chia cắt, nhưng miền Nam vẫn luôn ngóng về phương Bắc, hướng về Trung ương, hướng về Bác Hồ mà tin tưởng, mà hy vọng và cùng hát vang bài ca cách mạng” (2).
Thời gian này, không ít cán bộ Việt Minh, anh Vệ quốc đoàn, trong đó có các nhạc sĩ đã bám trụ lại miền Nam, âm thầm hoạt động dưới Luật 10/59 của Mỹ - Diệm: “Đưa Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật”. Chúng đã lê máy chém đi khắp nơi hòng “nhổ cỏ Việt Cộng”, phá hoại Hiệp định Genève, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong hoàn cảnh đó, nhiều cán bộ phải ứng chiến hàng ngày, hàng giờ, sống kham khổ “tự lực cánh sinh”, làm đủ mọi ngành nghề, có người vào tù, ra khám và hy sinh.
Ấy vậy mà, sau ngày miền Nam Đồng khởi (17-1-1960), đồng hành cùng tiếng mõ tre, tiếng súng thô sơ (làm bằng ống tre và khí đá hay súng “bụp dừa”...) là tiếng hô vang, cùng những bước chân của đoàn quân tóc dài kết hợp với nội tuyến, họ biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống càn quét, bắt bớ, tù đày. Họ diệt ác, phá kềm, phá khu trú mật, ấp dân sinh, đòi được trở về làng quê, đồng ruộng. Nhiều vùng giải phóng rộng mở, liên thông, đâu đâu cũng vang lên điệu hò, câu hát vui tươi phấn khởi dù còn mộc mạc, thô sơ, tự phát. Dần dà, các đội, nhóm văn nghệ Măng non ra đời, các đoàn văn công được thành lập từ các địa phương đến miền (3).
Tiếng hát Đồng khởi, tiếng hát chiến thắng, bài ca giải phóng vang lên khắp làng xã, thôn ấp, buôn làng, từ đồng bằng đến miền núi hòa cùng tiếng cồng, chiêng. Những điệu múa hát dân gian Dù Kê của đồng bào Khmer Nam bộ hòa cùng âm nhạc cung đình Huế, những điệu hát sắc bùa, hô bài chòi... vang lên khắp nơi.
Trước và sau ngày Đồng khởi, các nhạc sĩ Việt Minh ngày ấy lần lượt về chiến khu như: Trương Bỉnh Tòng, Quách Vũ (Quách Vĩnh Chương), Thanh Trần, Thanh Hòa (Cà Mau), Lê Lương (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Long (Kiến Phong - Đồng Tháp), Xuân Điền (Vĩnh Long), Trình Minh (An Giang), Việt Trung (Mỹ Tho - Tiền Giang), Quốc Thạnh (Củ Chi), Thanh Anh (Đà Nẵng), Phan Thao, Phan Chí Thanh, Phạm Minh Tuấn (Việt kiều Campuchia) và Xuân Hồng (Nguyễn Hồng Xuân - Tây Ninh)...
Ngày 20-7-1962, Hội Văn nghệ giải phóng ra đời gánh vác sứ mệnh lịch sử, tập hợp các văn nghệ sĩ yêu nước đứng chung ngọn cờ giải phóng. Đặc biệt và duy nhất có một giải thưởng mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, từ năm 1960 đến 1965, đã trao cho hàng trăm tác phẩm văn nghệ, trong đó âm nhạc vinh dự được nhận 13 giải thưởng.
Sau chiến thắng Ấp Bắc, chiến trường B đã đón nhận những người con miền Nam trên đất Bắc do Trung ương chi viện, gồm các văn nghệ sĩ: Phan Miêng (Hoàng Yến Minh), Hoài Mai (Trần Văn Thanh) - Contre Basse, Nguyễn Việt Hải - Viola, Hồ Kim Tuyến - Violon, Hoàng Thọ - Clarinette, Duy Cương - Trompette và Diệu Hùng (Nguyễn Hùng) - ca sĩ..., bước đầu hình thành ngành âm nhạc giải phóng và các lớp học ngắn hạn chuyên ngành ca, múa nhạc được mở ra đáp ứng nhu cầu toàn Nam bộ (B2) với mật danh Trường Lam Giang, việc cải tiến và đóng mới nhạc cụ bằng tre nứa, gỗ rừng được thực hiện.
Chuyển sang chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh. Trung ương tiếp tục chi viện qua đường bộ và đường hàng không cho chiến trường các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước (Huỳnh Minh Siêng), Trần Hoàn (Hồ Thuận An), Phan Huỳnh Điểu (Huy Quang), Hoàng Việt (Lê Quỳnh), Vĩnh Bảo (Nguyễn Hy Sinh), Văn Cận (Trần Nam), Hồ Bông (Hồ Thắm - Thanh Trà), Ngô Đông Hải (Nguyễn Đồng Nai), nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, Lư Nhất Vũ, Lâm Quang Măng (Thanh Trúc), Phạm Kỳ Lân (Trường Nam) - phối khí, Kpaylăng (La Mai Chửng) - Accordéon Trần Mùi, Phạm Kiếm - Violon, Đinh Sơn (Đinh Quang Sơn) - Flute… cùng các ca sĩ: Tô Lan Phương, Dzu An, Duy Nãi, Thế Hải, Mai Lâm, Thúy Hơi...
Cục Chính trị miền được chi viện các đồng chí: Vũ Thành, Trí Thanh, Thanh Cao (Hoàng Trần - Tấn Bỉnh), Phong Kỳ (Phương Giao), Thanh Sử, Hải Dung, Thạch Rương, Trương Việt Thông, Phạm Lập, Hiền Minh, Ngọc My... Chiến trường Trị Thiên, khu V và Tây Nguyên đón các anh Thuận Yến, Phan Bê (Phan Ngọc), Văn Chừng, Tố Hải, Phương Nam, Kpa Púi... Nhiều hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp hành quân cùng đoàn quân giải phóng bằng ngòi bút của mình như các nhạc sĩ: Hoàng Vân (YNa), Doãn Nho (Ánh Quyên), Huy Thục (Lê Anh Chiến), Hoàng Hà (Cẩm La), Hoàng Hiệp (Lưu Nguyễn)… Có người ra đi mãi mãi, có người là liệt sĩ, anh hùng (4).
Ngành âm nhạc giải phóng được mở rộng ngày càng hoàn thiện. Nhiều bài hát từ các chiến trường được gửi về, trong đó có kịch hát “Bông Sen” của đồng tác giả Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, kịch bản văn học Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh). “Bản giao hưởng số 2” còn dang dở của Hoàng Việt và hợp xướng Cửu Long Giang của Phan Miềng, ông đã sáng tác ngay trong trại giam Phú Quốc. Tất cả, những tác phẩm này đều thông qua mật mã Thông tấn xã Giải phóng chuyển ra miền Bắc và đi khắp nơi.
Đến đây, tôi xúc động nhớ lại phong trào “Bảo vệ văn hóa dân tộc” (1954 - 1959) đề cao lòng yêu nước, chính nghĩa đòi thi hành Hiệp định Genève luôn bị đối phương đàn áp khốc liệt.
Sau Tết Mậu Thân, tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam (năm 1968), phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ra đời và hoạt động sôi nổi giữa đường phố Sài Gòn. Những ngày tháng này, ngành âm nhạc giải phóng đã nhận được bài hát của Lê Ngọc từ Huế. Bài hát “Thanh niên miền Nam” của Hải Bình - Sơn Lam từ Sài Gòn gửi ra. Các bài hát đã được Đài phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam phát và mãi cho đến hôm nay vẫn chưa liên hệ được với hai nhạc sĩ thầm lặng này.
“Âm nhạc Giải phóng” được hình thành từ nhiều nguồn, kết tinh từ lòng yêu nước, đồng hành cùng dân tộc hòa vào tiếng hát Việt Nam.
--------------
(1) Nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng - Lưu Hữu Phước.
(2) 50 năm miền Nam ca hát, NXB VN - TPHCM.
(3) Đoàn Văn công giải phóng (1960) Đoàn Văn công Quân giải phóng (1962).
(4) Hoàng Việt, Vĩnh Bảo - liệt sĩ, anh hùng.

Tin cùng chuyên mục