Thế giới ảo, bạo lực thật

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố Lâm Quang Thiện (19 tuổi), Đỗ Tuấn Anh (20 tuổi), Lê Quang Phúc (20 tuổi), Nguyễn Hữu Thiên Long (17 tuổi) cùng về tội “Giết người”. Điều đáng nói là những người trẻ gây án xuất phát chỉ từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook.

Đầu tháng 3-2016, bạn gái cũ và bạn gái hiện tại của Thiện nói chuyện qua lại, mắng chửi nhau trên Facebook, dắt dây đến việc Thiện rủ Anh, Phúc, Long mang hung khí đi xử lý nhóm người được bạn gái cũ của Thiện nhờ đứng ra giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả là một người trong nhóm đối phương bị tử vong, một người khác bị thương tật 37% vĩnh viễn.

Những vụ việc gây nhau trên mạng xã hội rồi rủ nhau ra bên ngoài ăn thua đủ tương tự như vụ án trên đang xảy ra ngày càng nhiều. Bên cạnh những mặt tích cực đem đến cho người dùng, mạng xã hội cũng bộc lộ mảng tối khi trở thành môi trường phát sinh bạo lực. Chỉ những câu bình luận vô ý hay cố tình chọc tức nhau, những bài viết, hình ảnh bị cho là có ý khiêu khích, các bạn trẻ sẵn sàng manh động hẹn gặp, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Minh chứng mới nhất là vụ Trương Quốc Bảo (21 tuổi, ngụ huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long) mang dao đi tìm Lê Phương Vinh (17 tuổi, cùng ngụ huyện Long Hồ) để chém tay đôi vào tối 8-11-2016 sau khi hai bên mâu thuẫn trên Facebook. Cái giá của trận chiến là Vinh bị Bảo đâm chết, còn Bảo bị bắt giam. Một kết thúc đau lòng và hoàn toàn không đáng đối với hiềm khích rất nhỏ trên mạng.

Những vụ ẩu đả gây thương tích hoặc dẫn đến án mạng bắt nguồn từ những bất đồng, tranh luận trên mạng xã hội một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về cách hành xử của người trẻ. Cứ ngỡ mạng xã hội là ảo, rời khỏi bàn phím là xong. Nhưng rõ ràng không phải vậy. Thành viên của mạng xã hội là con người thật với những cảm xúc thật, mối quan hệ thật nên hẳn nhiên mâu thuẫn xảy ra cũng không còn ảo nữa. Thế giới ảo đã đẩy đến bạo lực thật, đổ máu thật.

Ngoài ra, điều cần lưu tâm là trong không ít vụ việc bị đẩy lên cao trào có sự hùa vào của cư dân mạng. Chuyện tưởng chẳng có gì, vậy nhưng chỉ cần thêm vài câu bình luận kích động, “đổ thêm dầu vào lửa” như “nó nói thế mà mày chịu được à?”, “mày ngán gì nó mà cho qua?”, “nhịn là nhục, 500 anh em ủng hộ mày”..., các bên trong cuộc sẵn sàng hẹn nhau nói chuyện phải quấy để chứng tỏ bản thân trong thế giới ảo. Và khi các bên trong cuộc hẹn nhau quyết chiến, nhiều người xem như đây là một cơ hội giải trí, kéo đến cổ vũ. Cụ thể là vụ sau khi rủ nhau qua Facebook, hàng trăm người đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1 TPHCM) hò hét phấn khích chờ xem hai cô gái đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn, khẩu chiến trên mạng. Phần lớn trong đó là “người hâm mộ trên phây”. Rất may sự việc được lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đưa các nhân vật có liên quan về trụ sở và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu không được can thiệp kịp thời, thật khó tưởng tượng sự quá khích của đám đông dẫn đến kích động, mất kiểm soát sẽ đẩy vụ việc đến đâu, sức khỏe và tính mạng của hai nhân vật chính cùng những người tham gia hùa theo ấy liệu có được đảm bảo trong mớ hỗn độn ấy?

Nói cho cùng, thực trạng mâu thuẫn trên mạng - đổ máu ngoài đời đáng buồn là hệ quả của sự thiếu giáo dục, định hướng nhận thức và cách ứng xử đúng đắn của người trẻ. Khoan đổ lỗi cho xã hội, trước tiên gia đình và nhà trường phải là nơi ngăn chặn bạo lực từ trứng nước.

THANH TÂM

Tin cùng chuyên mục