Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2010)

Làm đẹp cho đời...

Là cầu nối giữa người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS với cộng đồng; là điểm tựa cho thanh niên nghèo địa phương phát triển kinh tế hay là trung gian hòa giải giữa các nhóm thanh niên có mâu thuẫn… Nhiều gương mặt ưu tú đã xuất hiện ngay trong thời buổi “gạo châu, củi quế”. Nhân tháng 3 - Tháng Thanh niên, Báo SGGP xin giới thiệu sơ nét về họ.
Làm đẹp cho đời...

Là cầu nối giữa người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS với cộng đồng; là điểm tựa cho thanh niên nghèo địa phương phát triển kinh tế hay là trung gian hòa giải giữa các nhóm thanh niên có mâu thuẫn… Nhiều gương mặt ưu tú đã xuất hiện ngay trong thời buổi “gạo châu, củi quế”. Nhân tháng 3 - Tháng Thanh niên, Báo SGGP xin giới thiệu sơ nét về họ.

Về làng...

Là một công nhân điện lực với đồng lương khá ổn định so với những thanh niên cùng lứa ở xã, đầu năm 2009, tin Đặng Ngọc Liên (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) sẽ bỏ công việc nhiều người mơ ước để về làng tham gia công tác Đoàn - Hội khiến mọi người bất ngờ. Chàng trai ấy về làng thật. Người hiểu, thông cảm thì ít mà thái độ nghi hoặc trước quyết định ấy của anh thì nhiều.

“Bất kể mọi người nghi ngờ hay tỏ thái độ gì, tôi không giải thích mà chỉ tự nhủ mình sẽ chứng minh bằng hành động cụ thể”, anh chia sẻ. Lúc ấy, xã Phước Hòa là một xã nghèo của tỉnh Quảng Nam, mới được tách ra từ xã Phước Hiền, mọi phong trào đoàn thể đều rời rạc...

Liên chủ trì tổ chức các buổi nói chuyện, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên trong xã. Các trò chơi truyền thống được tổ chức theo hình thức mới lạ đã có sức hút đối với thanh niên. Và rồi các buổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên được Liên tăng từ 1 lần/tháng theo quy định lên  5 lần/tháng.

Khi nắm bắt được nguyện vọng của nhiều thanh niên trong xã muốn đầu tư làm kinh tế nhưng lại thiếu vốn, Liên đã chủ động xin ý kiến UBND xã và đặt vấn đề với Ngân hàng Chính sách huyện về việc lập tài khoản cho Đoàn Thanh niên xã. Anh cũng mạnh dạn thuyết phục bố mẹ mình để lấy nhà mình làm vật tín chấp. Biệt danh “Liên liều” được gắn với anh từ đó.

“Tài khoản thanh niên được lập. Một thanh niên được vay vốn nuôi bò, hai thanh niên được vay vốn trồng rừng, rồi số lượng thanh niên được vay vốn làm kinh tế cứ tăng lên dần, cuộc sống được cải thiện hơn, thanh niên gắn bó hơn với làng quê và càng tin tưởng, hướng về Đoàn nhiều hơn”, Liên vui vẻ khoe. Cứ mỗi đợt phát vay vốn, Ban chấp hành Đoàn xã lại lên huyện mời cán bộ lâm nghiệp, khuyến nông về hướng dẫn cách thức, kỹ thuật nuôi trồng cho anh em.

Người lạ đến xã Phước Hòa hiện nay sẽ được bà con tự hào giới thiệu về “Rừng thanh niên” (thanh niên được khuyến khích vay vốn trồng rừng) với các loại cây keo, bạch đàn… đang độ lớn. Hơn thế nữa, Đoàn Thanh niên đã trở thành địa chỉ tin cậy trong các hoạt động của xã. Việc cá nhân cũng như tập thể hầu như ai cũng thích được “nhờ cậy” Đoàn Thanh niên giúp một tay thì mới yên tâm.

Sứ giả hòa hợp thanh niên

Trong số 79 Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc lên nhận Giải thưởng 26-3 năm 2010 của Trung ương Đoàn TNCS HCM, cô gái Sầm Thị Hoa (Lào Cai) nổi bật lên bởi bộ trang phục dân tộc Tày và nụ cười rất tươi. Dáng người nhỏ nhắn như một học sinh PTTH nhưng Hoa đã tham gia công tác Đoàn được gần 7 năm.

Hoa kể: “Xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn, Lào Cai) có khoảng 80% dân số là dân tộc Tày, còn lại là người Kinh. Thời đi học, thỉnh thoảng tôi chứng kiến cảnh thanh niên Tày và Kinh gây gổ, phân chia ranh giới. Từ đó, tôi ngầm nuôi ước mơ sẽ là sứ giả giữa họ. Tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình tôi không tiếp tục đi học mà tham gia công tác Đoàn với chức danh Bí thư Đoàn xã”. 

Hoa nhận ra nên tổ chức hoạt động Đoàn theo nguyện vọng của thanh niên chứ không phải theo hoạch định từ trên xuống. Những câu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ được lồng ghép khéo léo, linh hoạt trong các hoạt động. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được dựng thành tiểu phẩm nhấn mạnh tình đoàn kết dân tộc anh em đã thu hút đông thanh niên tham gia.

Các buổi giao lưu văn hóa dân tộc Tày - Kinh được chú ý, hoạt động tình nguyện, phong trào thanh niên giúp nhau làm kinh tế được đẩy mạnh. Tình trạng bất đồng ngôn ngữ hai dân tộc cũng được giải quyết bằng cách Đoàn Thanh niên tổ chức, vận động thanh niên hai bên dạy chữ cho nhau… “Tệ nạn xã hội ở xã Khánh Yên Trung những năm gần đây đã được đẩy lùi vì thanh niên ai cũng chăm lo làm kinh tế, tích cực tham gia hoạt động Đoàn thể”, chị Sầm Thị Hoa khoe.

Họ đều là những người trẻ tuổi với những việc làm rất bình dị nhưng làm đẹp cho đời. Ngoài chất trẻ và xung kích, họ còn là những tấm gương có sức lan tỏa trong đoàn viên thanh niên…

Chuộc lại lỗi lầm...

Không có xuất phát điểm tốt như các nữ thanh niên khác, Võ Thị Trúc Linh (Trung tâm Y tế dự phòng quận 5) lại bỏ học ra đời sớm. Sau một sai lầm tuổi trẻ, Linh phải đi cải tạo hết mấy năm và chính trong thời gian cải tạo, chị mới thấy được giá trị của cuộc sống. Nhìn những thanh niên trạc tuổi mình sớm giã từ cuộc đời vì căn bệnh thế kỷ, Linh nhủ lòng sẽ làm một điều gì đó cho họ, để chuộc lại sai lầm của mình.

Trở về cuộc sống bình thường, Linh xung phong làm giáo dục viên đồng đẳng của Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 (Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng). Từ đó, chị hay lê la ở các vỉa hè, công viên, bến xe… nơi có nhiều người lang thang, người nghiện có nguy cơ nhiễm HIV cao để tư vấn cho họ cách phòng, tránh. Chưa đủ, chị còn phát bao cao su, kim tiêm và tài liệu hướng dẫn phòng ngừa căn bệnh thế kỷ cho nhiều người. Thấy nhiều bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS rất đau đớn, chị đến tận nhà chăm sóc y tế, chùi rửa vết thương ở các căn bệnh cơ hội của họ và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, tư vấn cho người bệnh.

THANH HỢP – HƯƠNG LY

Tin cùng chuyên mục