Tìm về xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để gặp người cha đáng thương này, phóng viên phát hiện thêm các trường hợp bệnh nhân bất hạnh đã không giữ được mạng sống do biến chứng y khoa. Mọi nghi ngờ của người dân đổ dồn về BV Đa khoa Đồng Tháp.
Phẫu thuật tuyến giáp, cắt nhầm thực quản
Ông Phạm Văn Thương phờ phạc đi thấy rõ vì tình trạng sức khỏe của con mình (em Phạm Thị Đen, sinh năm 1993). Cầm bệnh án đưa chúng tôi, ông nghẹn ngào kể: Con tôi vào BV Đa khoa Đồng Tháp trong tình trạng bướu giáp nhân 2 thùy kích thước 19mm, được các bác sĩ tư vấn phẫu thuật nội soi cắt một thùy tuyến giáp qua đường nách để mang tính thẩm mỹ. Lúc đó, gia đình tin tưởng và phó thác tất cả cho bác sĩ của BV.
Theo hồ sơ bệnh án, trong ca phẫu thuật vào ngày 27-2-2018, bệnh nhân Phạm Thị Đen được các bác sĩ cắt gần toàn phần tuyến giáp bằng dao siêu âm và kết thúc ca phẫu thuật vào lúc 11 giờ cùng ngày.
Một ngày sau, khi cho bệnh nhân ăn, thức ăn truyền thẳng qua ống dẫn lưu dưới nách và đẩy ra ngoài.
Nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu tụ dịch vết mổ, thủng thực quản, trong sáng 1-3, bác sĩ yêu cầu gia đình ký cam đoan rồi đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Trong ca mổ thứ 2 kéo dài 1,5 giờ, các bác sĩ đã khâu lại thực quản.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp - nơi xảy ra nhiều ca phẫu thuật gây tử vong
do bác sĩ Lê Văn Bé Ba thực hiện
do bác sĩ Lê Văn Bé Ba thực hiện
“Tuy nhiên, 2 ngày sau, con tôi không ăn uống gì được, vết thương ở nách ra nhiều dịch nhầy. Gia đình tôi khẩn thiết xin được chuyển con lên tuyến trên nhưng BV không chấp thuận”, ông Thương kể.
Hơn 10 ngày nằm tại BV Đa khoa Đồng Tháp, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần. Đến ngày 11-3-2018 thì yếu hẳn, ống mũi rỉ máu. Bác sĩ trực cho bệnh nhân nội soi dạ dày, thấy loét tá tràng và được tiêm cầm máu.
Tại phiên hội chẩn toàn viện, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ, cắt trúng phải thực quản dẫn đến tình trạng rò thực quản cổ, xuất huyết tá tràng, được chuyển cấp cứu tại BV Chợ Rẫy TPHCM.
“Bệnh nhân được chuyển lên trong tình trạng hết sức ngặt nghèo, tiên lượng xấu, khả năng tử vong rất cao do cắt nhầm vào thực quản. Đội ngũ bác sĩ đã rất vất vả để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy, cho biết.
Bệnh nhân tử vong, bệnh viện che giấu?
Lần theo những thông tin mà độc giả của Báo SGGP cung cấp, chúng tôi ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân tử vong sau các ca mổ tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, vào cuối tháng 11-2017, bệnh nhân Đoàn Thị Xuân (sinh năm 1949; ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện cắt khối tá tụy. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng - viêm phổi; phải chuyển lên BV Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. Dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Trong công văn phản hồi về biến chứng do lỗi kỹ thuật gửi BV Đa khoa Đồng Tháp, PGS-TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, nhấn mạnh việc cắt khối tá tụy là kỹ thuật khó và phức tạp. Các bác sĩ cần có quá trình được tập trung, đào tạo huấn luyện kỹ thuật chuyên môn tại BV tuyến trên.
BV Đa khoa Đồng Tháp chưa được tập huấn cũng như hỗ trợ về chuyên môn của BV tuyến trên về kỹ thuật này, do đó không nên triển khai. Tuy nhiên, không rõ vì không nhận được công văn phản hồi của BV Chợ Rẫy hay lãnh đạo BV Đa khoa Đồng Tháp cố tình bỏ qua những cảnh báo của BV tuyến trên, nên đơn vị y tế này tiếp tục cho bác sĩ thực hiện ca mổ cắt khối tá tụy đối với bệnh nhân Lê Thị Viễn (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Bệnh nhân này sau đó cũng gặp biến chứng và tử vong.
Thông tin mà phóng viên tìm hiểu được là tất cả ca mổ gây biến chứng dẫn đến tử vong đều được thực hiện bởi bác sĩ Lê Văn Bé Ba, người được bổ nhiệm là Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của BV từ tháng 2-2017 đến nay.
Người nhà bệnh nhân Lê Thị Viễn đau đớn với cái chết của người thân đã phản ánh đến BV về ca mổ của bác sĩ này, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Gia đình tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Sở Y tế và UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, giải quyết.
Trong buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh, lãnh đạo BV Đa khoa Đồng Tháp cho rằng do bệnh lý của bà Lê Thị Viễn là loại bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và tiên lượng điều trị về bệnh này hiện nay là một bài toán nan giải cho ngành y tế (!?).
Phóng viên Báo SGGP tìm đến Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu về vụ việc trên. Trả lời phóng viên, ông Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết có nhận được đơn thư phản ánh của người dân về một trường hợp bệnh nhân tử vong, do bác sĩ Bé Ba trực tiếp mổ. “Tuy nhiên, giữa BV và người nhà bệnh nhân đã xử lý ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Các trường hợp khác, sở không hay biết. Những kỹ thuật y khoa được chuyển giao, sở cũng không nắm được và giao toàn quyền quyết định cho BV”, ông Lâm khẳng định.
Sau khi gặp gỡ các bên liên quan để tìm hiểu và đối chứng, chúng tôi vừa rời khỏi tỉnh Đồng Tháp thì nhận được cuộc gọi đến với số điện thoại lạ. Một người đàn ông với giọng đầy hằn học yêu cầu phóng viên dừng thu thập thông tin, bỏ qua vụ việc trên và rời khỏi địa phương. Khi nghe phóng viên từ chối hợp tác, người đàn ông lập tức buông lời xúc phạm và đe dọa.