Từ vùng đất cách mạng trở thành điểm du lịch

Núi Bà Rá được xem là ngọn núi cao nhất ở tỉnh Bình Phước và thứ ba ở miền Đông Nam bộ. Núi còn gắn liền với cuộc kháng chiến của nhân dân Phước Long, là căn cứ cách mạng, là chiến trường khốc liệt; được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (ngày 4-10-1995). 
Từ vùng đất cách mạng trở thành điểm du lịch
Từ năm 1991, tỉnh Sông Bé đã đặt Trạm tiếp vận Bà Rá để phục vụ 5 huyện phía Bắc của tỉnh, nhờ đó bà con mới có điều kiện tiếp cận với đời sống văn hóa qua phát thanh - truyền hình. Hôm nay, vùng đất này đã thực sự thay da đổi thịt, đời sống của người dân cũng vững vàng đi lên từ cây điều và hồ tiêu…
Núi Bà Rá có độ cao 723m so với mặt nước biển, diện tích 307.325m², nằm trên địa phận phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, cách TPHCM 160km. Vùng đất lịch sử anh hùng cách mạng này đang chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục, thậm chí nơi đây giờ còn đang được quy hoạch để trở thành một vùng du lịch về nguồn, sinh thái, văn hóa và hành hương đầy hấp dẫn.

Những người thầm lặng kéo dài cánh sóng

Từ ngã tư thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, theo quốc lộ 741 nối thị xã Đồng Xoài với huyện Phước Long (Bình Phước), hiện ra trước mắt chúng tôi là con đường trải nhựa xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, đang mùa cạo mủ. Từ xa, núi Bà Rá hiện ra trong sương mờ huyền ảo, lung linh mà hùng vĩ. Bà Rá ngày nay đã trở thành điểm đến cho du khách. Trên lưng chừng núi Bà Rá còn lại một vạt rừng bằng lăng thoai thoải, có tên gọi là đồi Bằng Lăng. Nơi đây đã xây dựng một nhà bia rất trang trọng thờ Bác Hồ,  tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn. Đường từ chân núi lên đồi Bằng Lăng (độ cao 450m so với mặt nước biển) đã được trải nhựa, xe gắn máy và ô tô chạy lên đến nơi. Tại đồi Bằng Lăng, có Đài Tiếp vận phát thanh truyền hình Bà Rá. Tiền thân khai hoang mở đường lên đỉnh núi Bà Rá làm Trạm Tiếp vận này (trực thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sông Bé, được thành lập vào năm 1991). Khi tách ra từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sông Bé, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã chính thức phát sóng vào ngày tái lập tỉnh Bình Phước 1-1-1997. Trưởng trạm Tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá đầu tiên là anh Phan Văn Thảo (Ba Thảo) nay là quyền Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước.

Anh Ba Thảo bồi hồi xúc động: “Núi Bà Rá trước đây không có đường lên đỉnh, cây cối rậm rạp, thú dữ rất nhiều, địa hình hiểm trở. Để lên được tới đỉnh núi, anh em rất vất vả, phải tự mở đường mà đi. Trước kia, tỉnh Sông Bé đã đặt Trạm tiếp vận Bà Rá để phục vụ cho 5 huyện phía Bắc của tỉnh  gồm Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú và Bình Long. Nhờ vậy mà bà con 5 huyện phía Bắc mới có điều kiện tiếp cận với đời sống văn hóa của phát thanh - truyền hình.

Người có công đầu là hai vị giám đốc cũ của đài Sông Bé: ông Út Tuyền và ông Bảy Hiếu. Tiếp đến là ông Đỗ Toàn Trung, giám đốc đầu tiên của Đài Bình Phước và ông Phan Minh Hoàng, giám đốc vừa nghỉ hưu. Anh Ba Thảo kể tiếp: Từ chân đồi Bằng Lăng lên đến trạm tiếp vận đỉnh núi Bà Rá có chiều cao là 1.200m. Khi nhận lệnh đem băng (video) lên để phát, anh em phải đi vượt dốc thật nhanh làm sao trong vòng 30 phút hoặc 40 phút để lên tới nơi kịp phát sóng. Có một số anh em lên tới nơi thở không nổi vì áp suất thấp, máu mũi trào ra, đã vậy còn bị vắt bám đầy chân. Ở trạm trên đó luôn có 2 người túc trực 24/24 giờ. Thời gian đó trạm có 8 người, bây giờ là 11 người, nhưng luôn với tinh thần khát khao mang sóng phát thanh và truyền hình cho bà con vùng cao. Anh Ba Thảo không giấu được sự tự hào khi trạm được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm và khen ngợi vai trò của trạm có ý nghĩa to lớn, giúp bà con nắm bắt được thông tin cần thiết trong cuộc sống như thời tiết, kinh tế, xã hội, tình hình thế giới…; góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn. 

Anh Huỳnh Ngọc Quốc, Phó Trưởng trạm, công tác ở đây hơn 14 năm, chia sẻ: “Ngày đầu tiên lên đây nhận nhiệm vụ, tôi vừa tròn 25 tuổi, rất bỡ ngỡ giữa núi cao hùng vĩ, xung quanh là rừng, mạng internet, điện thoại cầm tay chưa có, đêm xuống rất lạnh. Buồn, nhớ nhà, nhưng yêu nghề và tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết, nên chúng tôi luôn phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ”. Anh Lê Anh Dũng, cán bộ trạm, công tác ở đây trên 25 năm, cho biết thêm: “Lúc xây bậc tam cấp theo phương thức khoán, người dân vác xi măng, gạch, cát, sắt… 1.000 đồng/kg (cân lên tính tiền), người khỏe vác 30kg, người yếu 10-20kg… nói chung rất vất vả. Cố gắng lắm, mỗi ngày chúng tôi chỉ lên xuống 2 lần. Còn nói về sinh hoạt, nhiều lúc trên này thiếu thốn kinh khủng. Vào mùa khô, trên đỉnh núi Bà Rá không có nước, anh em phải hứng những giọt nước từ máy lạnh chảy ra lấy nước xài...”.

Một thời đạn bom, một thời anh dũng

Tại đồi Bằng Lăng, chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nguyên Đội trưởng đội Biệt động Bà Rá, là người đứng ra vận động quyên góp và xin chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng công trình đền thờ và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh. Ông Bảy Thỏa bồi hồi kể lại một thời Bà Rá anh dũng dưới mưa bom, đạn nổ: “Tại đồi Bằng Lăng, hàng trăm chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống dưới bom đạn đế quốc Mỹ. Trong đó từ ngày 11 đến 15-6-1965, máy bay Mỹ đã hủy diệt Đồn điền cao su Thuận Lợi (nay là Công ty Cao su Đồng Phú). Độc ác nhất là đêm 10-6-1965, bom Mỹ đã tàn sát dân làng, có gia đình 13 người đều bị giết sạch. Hàng trăm nóc nhà và nhiều cơ sở nhà máy, chùa chiền, nhà thờ, bệnh viện, trường học bị thiêu rụi”. Ông Bảy Thỏa ngậm ngùi: “Với tư cách là người trong cuộc, nhân chứng lịch sử, tôi xin khẳng định rằng, cán bộ, chiến sĩ công tác chiến đấu trên chiến trường K11 và ở Đội biệt động Bà Rá - Phước Long anh hùng, mưu trí, dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh, ý thức tổ chức kỷ luật thật tuyệt vời, không so đo giữa sự sống và cái chết, không đòi hỏi sự đãi ngộ, không công thần, hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng và Bác Hồ. Đồng bào Kinh cũng như Thượng, tuy sống trong sự kìm kẹp, o ép của địch nhưng rất gan dạ, nghĩa tình, hy sinh, cống hiến”.

Điểm du lịch tâm linh ngoạn mục 

Núi Bà Rá bây giờ không còn như xưa, có bậc tam cấp làm bằng đá đi lên, có hệ thống cáp treo phục vụ khách du lịch, được gọi là cụm di tích - danh thắng Núi Bà Rá - thị xã Phước Long - Thác Mơ (cự ly giữa 3 điểm này cách nhau khoảng 10km) sẽ được quy hoạch thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa - chiến trường xưa - hành hương, hấp dẫn của tỉnh Bình Phước. Đứng trên đỉnh Bà Rá, có thể nhìn thấy cả một vùng bình yên của tỉnh Bình Phước, thấy thủy điện Thác Mơ rộng lớn mênh mông. Trên đỉnh có ngọn ăng-ten của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, cao 48m. Nơi đây còn có một ngôi chùa, Đền thờ Bác Hồ và văn bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2535/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ gồm các phân vùng quy hoạch như: khu vực núi Bà Rá (diện tích 1.300ha), đảo Khỉ trên hồ Thác Mơ (diện tích 200ha) và phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ (diện tích 1.000ha). Song song với đó là việc tôn tạo các di tích nhà tù Bà Rá, hang Dơi, hang Cây Sung, hang Bà Bảy Tuyết, chùa Bà Rá; xây dựng mới làng kiến trúc trên đảo Khỉ, làng du lịch, cơ sở lưu trú và ẩm thực trên núi Bà Rá, các bến, trạm thông tin du lịch, hệ thống đền, chùa, tượng Phật; trang bị các phương tiện phục vụ du khách trong khu du lịch; phát triển, bảo vệ rừng, núi Bà Rá…

Tạm biệt Bà Rá, chúng tôi ra về với tâm tư tình cảm thật khó tả. Vui vì Bà Rá đã vươn lên khẳng định vị trí vai trò của mình trong tư thế phát triển, bồi hồi khi nhắc đến những chiến sĩ thông tin thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng đã khai hoang mở đường đầu tiên lên đỉnh núi Bà Rá, đặt trạm tiếp vận phát thanh - truyền hình, họ đã cống hiến tuổi thanh xuân trong việc kéo dài cánh sóng để phục vụ cho 5 huyện phía Bắc và đồng bào nơi đây.

Tin cùng chuyên mục