Một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 12-1-2008 của Trung tâm Phân tích Levada đã cho thấy: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách Mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga, 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga.
Trong khi đó, số người cho rằng Cách Mạng Tháng Mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%. Những người cho Cách Mạng Tháng Mười Nga là một tai họa đối với họ chỉ có 15%. Trung tâm khảo sát Levada cho thấy, nỗi nhớ về Liên Xô đạt đỉnh điểm vào năm 2000, khi 75% dân số cho biết họ rất tiếc vì nó giải thể. Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào tháng 4-2016 do Trung tâm Levada, có đến 56% số người được hỏi cho biết họ muốn Liên Xô vẫn còn tồn tại. Trung tâm Dư luận toàn Nga (VTsIOM) cho thấy 64% người Nga cho biết sẽ bỏ phiếu cho sự bảo tồn của Liên bang Xôviết nếu một cuộc trưng cầu dân ý lại được tiến hành ở thời điểm hiện tại.
Năm nay, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, ngày 6-12-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chính phủ về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Nga, Bộ Văn hóa Nga có trách nhiệm tổ chức các sự kiện kỷ niệm nhân dịp này.
Trên trang mạng chính thức của mình, nhân kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Liên bang Nga ra tuyên bố: “Các sự kiện trong tháng 10-1917 không chỉ làm rung chuyển thế giới bởi quy mô và độ hùng vĩ tuyệt vời của nó, mà còn đặt nền móng cho sự duy trì, phát triển ổn định và tiến bộ của thế giới, hướng tới chấm dứt nạn bóc lột giữa con người với con người, xây dựng một xã hội công bằng và chủ nghĩa xã hội. Bằng cách đưa ra những giải pháp cho những thách thức đáng gờm của thế kỷ 20 (thông qua hiện thân là Liên bang Xô viết), Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã chứng minh cho thế giới sức sống của chủ nghĩa xã hội (CNXH)…).
Cách Mạng Tháng Mười Nga đã lật đổ quyền lực thống trị của giai cấp tư sản; giành chính quyền về tay nhân dân lao động, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ; mang lại cho nhân dân lao động cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân dân lao động từ người làm thuê, từ nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình. Sự thành công nhanh chóng và triệt để của Cách Mạng Tháng Mười Nga chứng tỏ quy luật khách quan của sự vận động phát triển không ngừng. Đó là thế giới sẽ đi từ hình thái xã hội này sang hình thái xã hội khác tiến bộ hơn. Chứng minh một thực tế là CNXH đã hoàn toàn phủ định về nguyên tắc đối với chủ nghĩa tư bản (CNTB), chứng tỏ chân lý và sức sống vĩ đại của Chủ nghĩa Mác. Đây là lần đầu tiên những người vô sản đã vận dụng thành công lý luận của Chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở một quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử CNXH hiện thực chính thức ra đời.
Lịch sử thế giới trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra đã từng diễn ra rất nhiều các cuộc cách mạng lớn. Thế nhưng cuối cùng cái mà các cuộc cách mạng ấy đem lại chỉ là cách chuyển từ hình thức bóc lột này sang hình thức bóc lột khác. Cách mạng Tháng Mười Nga khác về bản chất hoàn toàn so với các cuộc cách mạng trước đó bởi nó xóa bỏ và thủ tiêu tất cả mọi hình thức bóc lột. Nhân loại sẽ không bao giờ quên ơn đối với Cách mạng Tháng Mười Nga. Chính Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm biến chuyển cục diện thế giới, làm cho chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) phải điều chỉnh và thay đổi. Những ai đã đọc “Túp lều Bác Tôm” hẳn không thể nào cầm nổi nước mắt trước số phận của những người nô lệ dưới CNĐQ. Từ khi CNTB ra đời và phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, nhân loại đã phải gánh chịu vô vàn đau thương, tang tóc mà nó gây ra. Trong bối cảnh ấy, những con người nhưng không được quyền làm người, bị đối xử như súc vật, bị mua đi bán lại, sống một cuộc đời cùng khổ tối tăm trước sự bóc lột tàn bạo, dã man của CNĐQ. CNĐQ cũng chính là kẻ đầu sỏ đã gây ra bao cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa, tranh giành thị trường, gây ra cái chết của hàng trăm triệu người.
Đi theo con đường của Lênin vĩ đại, những người Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc; xây dựng đất nước trong hòa bình và đã thu được những thành quả to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi các nước kém phát triển với thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.186 USD. Quy mô kinh tế đứng thứ 48 trên thế giới. Công cuộc xóa đói giảm nghèo thu được thành tựu to lớn từ trên 50% xuống còn gần 5% hiện nay; trình độ dân trí của người dân không ngừng được nâng cao; các mặt xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Trong tác phẩm xuất bản gần đây với tựa đề Tại sao Mác đúng, T.Eagleton - giáo sư Đại học Tổng hợp Lancaste ở Anh đã chứng minh sự phê phán của Mác đối với CNTB vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù CNTB có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của CNTB hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền, “toàn cầu hóa”... đã được Mác nhìn thấy trước trong các phê phán của mình. Trong tác phẩm này T.Eagleton cũng đồng thời vạch rõ, CNTB dù có lúc đạt được hiệu quả nhưng nó đã làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, “là vô trách nhiệm với sự tồn vong của nhân loại. Tức là con đường TBCN đang đi cũng là đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này”.
Chừng nào thế giới vẫn còn đầy rẫy bất công, chừng nào mà những người lao động vẫn còn bị bóc lột và đối xử tàn tệ, khi ấy, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị. Thế giới sẽ tiếp tục đổi thay, nhưng lý tưởng cao đẹp mà Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra 100 năm trước vẫn là khát vọng, là ước mơ cháy bỏng của loài người, vẫn sống mãi.