Từ Libya, xung đột leo thang ra khu vực

“Nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) không hành động kịp thời, nguy cơ cuộc chiến ở Libya sẽ tiếp tục leo thang, có thể đẩy Libya vào nguy cơ chia cắt vĩnh viễn khi các nước bên ngoài gia tăng sự can thiệp bằng cách hậu thuẫn các phe tham chiến”. Đó là cảnh báo của đặc phái viên của LHQ về Libya, ông Ghassan Salame. 
Phiên họp của HĐBA LHQ bàn về tình hình Libya
Phiên họp của HĐBA LHQ bàn về tình hình Libya

Không đoàn kết

Tại phiên họp HĐBA LHQ diễn ra ngày 4-9, ông Ghassan Salame nêu rõ, nhiều người dân Libya cảm thấy họ đang bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi và bị lợi dụng. Ông cảnh báo về hai kịch bản xấu nếu HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế không sớm can thiệp để chấm dứt cuộc chiến Libya. Một là, cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này sẽ kéo dài âm ỉ và hai là, cuộc chiến sẽ leo thang, đẩy toàn bộ khu vực này vào sự hỗn loạn khi các nước bên ngoài gia tăng hậu thuẫn cho các phe tham chiến.

Đặc phái viên của LHQ Salame, người thường chỉ trích HĐBA đã không đoàn kết trong vấn đề giải quyết cuộc chiến Libya và thậm chí có nước ủy viên HĐBA còn ủng hộ các phe tham chiến, nhấn mạnh ý tưởng cho rằng cuộc chiến quân sự cũng là một giải pháp cho xung đột là hoàn toàn ảo tưởng.

Mặc dù vẫn nằm trong danh sách cấm vận vũ khí của LHQ kể từ năm 2011, nhưng điều đáng nói là cuộc khủng hoảng ở Libya ngày càng phức tạp khi cả hai phe xung đột ở Libya hiện nay đều nhận được sự ủng hộ quân sự của các nước mạnh trong khu vực.

Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã bày tỏ lo ngại Libya sẽ rơi vào một “cuộc nội chiến toàn diện” nếu không sớm có các động thái nhằm chấm dứt xung đột. Ông khẳng định cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho Libya, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của các tay súng nước ngoài và lính đánh thuê được các bên tuyển mộ trong cuộc xung đột tại Libya cũng như dòng vũ khí được chuyển vào nước này.

Tranh giành ảnh hưởng

Hiện có nhiều cáo buộc về việc các thế lực bên ngoài đang tuồn vũ khí cho các bên tại Libya - quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong OPEC - nhằm tạo lợi thế cạnh tranh ảnh hưởng tại quốc gia Bắc Phi này. 

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận và các nhóm dân quân hậu thuẫn, hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng quân đội quốc gia của Tướng Khalifa Hafta Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

Theo các quan chức LHQ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập cung cấp cho Quân đội Quốc gia Libya các thiết bị quân sự, vì cho rằng đây là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống các nhóm cực đoan Hồi giáo tại Bắc Phi. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng ủng hộ cho Chính phủ hòa hợp dân tộc Libya. Các nước phương Tây thì hợp tác với các nhóm dân quân để chống lại những phần tử cực đoan và ngăn chặn dòng người di cư vào châu Âu. Theo giới quan sát, có một thực tế khác là khoảng trống chính trị và an ninh ở Libya đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các nhóm khủng bố phát triển. 

Với nguy cơ dòng chảy vũ khí tiếp tục được tuồn vào cho các bên tại Libya, một thỏa thuận hòa bình giữa các phe phái ở Libya đã được LHQ nỗ lực thúc đẩy, vẫn còn nhiều gian nan. Và, Libya đã cho thấy sự nguy hiểm của tình trạng nước ngoài can thiệp và gây căng thẳng giáo phái, bộ lạc. Cũng như Libya, việc quân sự hóa các cuộc biểu tình ở Syria, sự hỗn loạn xã hội của các nước như Ai Cập, Sudan… khiến cho từ khóa Mùa xuân Arab 2019 đang trở nên nóng hơn vào lúc này. Ngày 5-9, theo kế hoạch, Sudan sẽ công bố thành phần nội các mới của tân Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok sau đợt chính biến vừa qua.

Tin cùng chuyên mục