“Sự thay đổi thật sự của Mexico đòi hỏi một sự tuân thủ hoàn toàn vào các giá trị của công bằng và công lý. Không ai được hưởng đặc quyền và lợi lộc, ngay cả khi để hoàn thành nhiệm vụ của họ. Họ không nên được đặt trên lợi ích của đám đông”, bà viết. Trước đó, hồi nhậm chức vào tháng 12-2018, Tổng thống Mexico López Obrador từng hứa sẽ tạo ra một chính phủ không có đặc quyền và tham nhũng.
Chuyện cán bộ từ chức không hề xa lạ ở các nước, còn tại Việt Nam thì rất hiếm khi. Có cán bộ nào đó từ chức, ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều trong những năm qua, với mong muốn hình thành một văn hóa ứng xử đẹp đẽ trên chính trường. Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa từ chức vẫn chưa được hình thành một cách rõ nét ở nước ta.
Lo ngại khó hình thành văn hóa từ chức, nhiều ý kiến đã đề xuất luật hóa việc này. Tại buổi thảo luận về chương trình xây dựng luật pháp năm 2020 và điều chỉnh chương trình năm 2019 mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã đề nghị Quốc hội luật hóa việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, các ý kiến của Trung ương, của Bộ Chính trị rất trí tuệ, rất đúng đắn và mang hơi thở cuộc sống, tuy nhiên, để triển khai được phải có luật, phải được luật hóa. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII có quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Cán bộ, đảng viên nếu thấy mình sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, thực tế từ khi quy định trách nhiệm nêu gương ra đời đến nay, không có ai xin từ chức. Đặc biệt qua vụ gian lận về thi cử trầm trọng năm 2018 vừa qua, cũng chưa có bất cứ ai từ chức. Đó là lý do mà ông tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đồng tình với ý kiến này và cho rằng, đây là một nội dung từ chủ trương của Đảng: vấn đề nêu gương. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề nghị xây dựng luật tự phê bình và phê bình. Từ việc nêu gương đến việc từ chức, nếu được luật hóa, sẽ góp phần hình thành nên thói quen từ chức.
Văn hóa từ chức là một văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, là hình thức tự nguyện nếu như cán bộ được bổ nhiệm cảm thấy rằng mình không còn đủ sức khỏe, uy tín, hay có vi phạm, thấy vị trí của mình không phù hợp với năng lực, chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh nước ta, để có được văn hóa từ chức phải có những sức ép chính trị, sức ép của dư luận, cơ quan kiểm soát. Và quan trọng nữa, phải có những thay đổi mang tính tổng thể từ giáo dục, nhận thức, hành vi ứng xử của mọi người trong xã hội. Chúng ta cần nhận thức rằng, từ chức là một văn hóa ứng xử của người có chức quyền, chứ không chỉ khi có chuyện sai phạm, xấu xa mới từ chức. Nên từ chức cả trong trường hợp cán bộ tự thấy mình không đảm đương được nhiệm vụ, để tạo cơ hội cho người khác có đủ điều kiện, năng lực, đạo đức, sức khỏe đảm nhiệm. Chức vụ càng cao thì nhiệm vụ càng nặng nề chứ không phải chức vụ càng cao thì đặc quyền đặc lợi càng lớn. Từ chức phải trở thành văn hóa trong Đảng, trong xã hội.