Linh tinh về cái gối

Chẳng biết con người phát minh ra cái gối từ bao giờ. Không kể thời nguyên thủy ăn lông ở lỗ người ta gối đầu lên cành cây, cục đá, cái gối định hình có mặt từ năm 7.000 trước Công nguyên, ở nền văn minh Mesopotamia (Lưỡng Hà). Tất nhiên đó là những cái gối dùng cho người chết trong các hầm mộ, nhưng có thể hiểu rằng người sống cũng dùng nó.
Linh tinh về cái gối

Chẳng biết con người phát minh ra cái gối từ bao giờ. Không kể thời nguyên thủy ăn lông ở lỗ người ta gối đầu lên cành cây, cục đá, cái gối định hình có mặt từ năm 7.000 trước Công nguyên, ở nền văn minh Mesopotamia (Lưỡng Hà). Tất nhiên đó là những cái gối dùng cho người chết trong các hầm mộ, nhưng có thể hiểu rằng người sống cũng dùng nó.

Cái gối cho người chết ở Việt Nam ngày trước cũng có nhiều loại. Vua chúa sẽ dùng gối gấm, gối gỗ ngọc am nguyên khối như khi còn sống. Dân thường chôn người chết dùng chiếc bát ô tô kê dưới đầu. Mục đích của nó là để khi bốc mộ cái sọ người vẫn ngay ngắn không bị dịch chuyển.

Người sống có muôn hình vạn trạng cho cái gối của mình, tùy theo sở thích mà chế tạo hoặc mua sắm. Em bé sơ sinh gối đầu bằng chiếc gối vỏ hạt đậu xanh ngày tết đãi ra gói bánh chưng. Phơi khô vỏ đậu dồn vào lưng chiếc túi vải là có chiếc gối cho bé nằm. Gối này có thể tùy chỉnh độ cao thấp và đặc biệt thoáng mát. Hơn nữa, nó chống được chứng bẹt đầu của trẻ sơ sinh do nằm gối bông hoặc gối cứng.

Đàn bà phần lớn dùng mềm mại gối bông vỏ vải. Tùy theo sở thích mà tự trang trí cho cái gối của mình. Thường thì ở nông thôn, khi lấy chồng, chị em thường tự tay may lấy đôi áo gối bằng vải phin trắng, tỉ mẩn ngồi thêu dòng chữ Hạnh Phúc bay bướm lồng trong dải băng đỏ. Chữ và hình vẽ thường phải nhờ cán bộ văn hóa xã khéo tay viết hộ. Gối này thường cũng chỉ dùng được thời gian ngắn. Khi có trẻ con bận bịu không kịp giặt, gối ngả màu nước dưa là vứt. Ngày ấy, những chị có người yêu đi chiến trường cũng hay may và thêu một đôi gối; một để mình dùng và một nữa tặng người ra trận. Tuy nhiên, nếu có ngày gặp mặt sau chiến tranh thường thì cả đôi gối vẫn còn mới nguyên. Nhiều cụ bà nông thôn bây giờ vẫn còn giữ chiếc gối mới tinh như thế khi người lính của mình không về nữa.

Những tưởng đàn ông xuề xòa trong ăn mặc và sinh hoạt thì chiếc gối sẽ muôn phần đơn giản, nhưng không phải thế. Từ xưa đã có hẳn những nhà chuyên chế tạo gối cho đàn ông. Những chiếc gối sứ đời Đường, đời Tống bên Trung Hoa là những tác phẩm nghệ thuật bây giờ có giá hàng triệu USD. Vài người Hoa trên phố Hàng Buồm, Hàng Khay ngày tiếp quản Hà Nội vẫn còn dùng những chiếc gối sứ đời Thanh vẽ men lam hết sức tinh xảo. Giờ thì đến cả những chiếc gối này cũng chỉ có thể gặp ở một vài bộ sưu tập cổ vật. Người ta bày nó trong tủ kính để thưởng lãm mà không còn ai dám gối đầu lên nữa.

Đàn ông Việt ở nông thôn chuộng dùng chiếc gối gỗ thường là tự tay mình chế cho vừa độ cao. Chiếc gối được đục từ nguyên khối gỗ mà ra, tuyệt không chắp ghép. Khi dùng, mở ra thành hình chữ X, gối đầu vào khe nông không sợ xô lệch. Sáng dậy xếp gối lại như một mảnh gỗ dày để trên đầu giường trông mộc mạc thanh bần mà sạch sẽ. Ngoài gối gỗ, đàn ông cũng thích dùng những gối đan bằng mây, tre thoáng mát, tha hồ bám mồ hôi. Khi cáu bẩn chỉ cần mang ra ao cọ một lúc lại trắng tinh. Đàn ông ở phố những năm ’60 thế kỷ trước còn thịnh hành một loại gối khá cầu kì kiểu cách. Đó là chiếc gối sơn được làm bằng da trâu phủ sơn mài có trang trí hoa văn và chữ Thọ, ở hai đầu dát vàng quì. Trong bài “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có câu “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối…” hình như là nói về cái gối có thể vỗ kêu như trống này. Gối này lũ trẻ rất thích dùng làm đồ chơi kéo xe. Có thể ngồi lên mà kéo nó chạy băng băng trên sàn đá hoa. Tất nhiên, nếu bị người lớn phát hiện chắc chắn xơi ít nhất hai roi quắn đít. Người lớn không tiếc của mà chẳng qua chỉ muốn dạy lũ trẻ hiểu sự trân trọng cái thứ gối đầu lên ấy thiêng liêng đến thế nào. Dám ngồi lên chốn thiêng liêng ấy quả là láo xược.

Các loại gối trên thị trường bây giờ phong phú không kể xiết. Từ gối hạt gỗ, gối đan mây, đan sợi ni lông cho đến các loại gối vải bán đầy trên phố.  Lại thêm những chiếc gối điện dùng để massage đầu và gáy rất hiện đại. Trên giường của dân phố thị bây giờ hiếm khi chỉ có một chiếc gối duy nhất. Các bạn gái tuổi teen thường có ít nhất ba chiếc.

“Cổ tay vừa trắng vừa tròn/ Để cho người gối đã mòn một bên…” là câu quan họ cổ “Cái ả” các Liền chị Bắc Ninh hát đối đáp với Liền anh. Lời ca ngậm ngùi trách móc nhẹ nhàng nhưng hình như đậm chất hư cấu. Đàn ông Việt hiếm khi gối đầu lên đấy. May mà hồi trước có thi sĩ Huy Cận làm được câu thơ phần nào gỡ gạc lại cho đàn ông tư thế hào sảng của mình “Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…” (Ngậm ngùi).

1-2017

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục