Đào rừng

Người Hà Nội chơi hoa đào từ bao giờ chẳng ai biết cả. Huyền tích dân gian truyền khẩu nói rằng hoa đào có mặt ở Tống Bình vào khoảng thế kỷ thứ XII thời nhà Đường.
Đào rừng

Người Hà Nội chơi hoa đào từ bao giờ chẳng ai biết cả. Huyền tích dân gian truyền khẩu nói rằng hoa đào có mặt ở Tống Bình vào khoảng thế kỷ thứ XII thời nhà Đường.

Lúc ấy Tống Bình là quận trị quận Giao Chỉ. Đại khái vị trí địa lý nằm ở bờ Nam sông Hồng và gồm các huyện Từ Liêm, Hoài Đức bây giờ. Đám binh lính nhà Đường đồn trú ở vùng Nhật Tân mang cây đào sang trồng để ngắm hoa tết cho đỡ nhớ nhà. Chuyện này có thể tin được. Đến tận bây giờ người Hà Nội định cư khắp năm châu vẫn có thói quen đến tết âm lịch thể nào cũng cố tìm một cành đào cắm trong nhà mừng xuân mới. Nhìn trên facebook có thể thấy rộn ràng sắc xuân Hà Nội ở tận những Melbourn, Sydney, Berlin, Paris, California…

Thứ hoa đào người Hà Nội chơi hàng ngàn năm ấy không có sẵn trong rừng tự nhiên Việt Nam. Nó là các giống bích đào, đào phai, bạch đào được cấy ghép bằng mầm hoặc nhánh lên gốc cây đào rừng. Đó là những giống hoa cánh kép, dày, rực rỡ nhưng không bao giờ ra quả. Công nghệ cấy ghép đào hẳn là đã có hàng ngàn năm tuổi trên đất này. Vài chục năm qua cũng đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi trên đất nước nhưng hình như cách chơi đào thì không còn như cũ nữa.

Những vườn đào trên đất Nhật Tân cũ nay lác đác chuyển ra ngoài đê sông Hồng, lan cả sang các vùng Mê Linh, Hưng Yên, Bắc Ninh,… với mục đích chính là cung cấp hoa đào vào dịp tết cho dân Hà Nội. Quan niệm về vẻ đẹp hoa đào của nông dân các vùng xa Hà Nội chắc chắn cũng không gần với thẩm mỹ hoa đào của người Hà Nội nữa. Người Hà Nội ít khi cắm trong nhà một cành đào to lớn béo tốt được cắt tỉa hình chiếc nơm úp cá trăm nhà như một. Nhưng tiếc thay, đó lại là quan niệm về vẻ đẹp của cành đào ở những vùng trồng ra chúng. Và kết quả tất yếu - đào ế! Sau chợ hoa đêm giao thừa phải chất lên xe rác đổ đi khá nhiều. Năm nào cũng thế.

Mươi năm qua, người Hà Nội thích chơi đào rừng. Thực ra thì thú chơi này đã có từ xa xưa. Trên vùng Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân ngày trước vẫn có vài nghệ nhân trồng đào rừng phục vụ một số khá ít người chơi giống đào cánh đơn mong manh phong vị núi rừng này. Vài nghệ nhân xuất sắc còn biết cách cắt tỉa, tạo mấu mắt, thế, dáng cho cành đào non trở thành phong sương dầu dãi như cây đào vài chục tuổi trên núi. Chuyện này không dễ. Để làm ra cành đào rừng gồ ghề mấu mắt, địa y bám đầy như tự nhiên là cả một nghệ thuật lâu đời. Tất nhiên giá bán một cành như thế bằng cả một vườn bích đào hình chiếc nơm, nhưng vẫn đắt hàng. Khách chơi quen chỗ thường lên tận vườn từ khoảng tháng một ta chọn lựa và đặt tiền mua trước từng cành trên cây, chờ đến giáp tết mới lên cắt về. Cái thời xe cộ đường sá khó khăn mà ngày tết có được cành đào rừng đã đủ chứng tỏ đẳng cấp của người chơi dù chỉ là cành đào rừng trồng trên phố.

Giờ thì không còn ai trồng đào rừng trên phố nữa. Chỉ vài giờ xe chạy ra các vùng rừng núi Hòa Bình, Mộc Châu, Yên Bái, Lạng Sơn là bạt ngàn rừng đào. Cây đào ăn quả nhiều nguồn gốc đủ cả Á, Âu,… người ta trồng lưu niên khắp trong các bản làng và đồi núi. Có vài giống đào Vân Nam nhập về trồng ở các vùng Lào Cai, Lạng Sơn quả to vỏ trắng ăn khá ngon. Số còn lại nhập giống từ châu Âu có lẽ chưa hợp thổ nhưỡng, quả ăn chua và chát lè lưỡi, nhiều năm giá rẻ quá người ta để rụng chẳng ai buồn hái. Thế nhưng hoa đào rừng vẫn luôn là món hàng được mong đợi nhất trong năm của người Hà Nội.

Đã có vài nhà bảo vệ môi trường ẩm ương hốt hoảng hô hoán lên về việc tàn phá cây đào rừng vào dịp Tết Âm lịch. Ẩm ương ở chỗ họ đã không phân biệt được cây mọc tự nhiên với cây trồng làm thương phẩm. Chẳng có cây đào nào mọc tự nhiên trên khắp dải đất Việt Nam này. Tất cả là do con người gây giống trồng trọt với mục đích rõ ràng là ăn quả hoặc chơi hoa. Cũng giống như lúa gạo ngô khoai vậy, gặt lúa và bẻ bắp hàng vạn hécta khi mùa thu hoạch đến ai lại gọi là tàn phá cây cỏ bao giờ? Đã thế, cây đào người ta trồng đâu có thể tự nhiên vác dao vào chặt cành mà được.

Giáp tết chạy xe lòng vòng lên vùng Lóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu hoặc Lạng Sơn vào tận vườn đào bát ngát mà mua vài cành hoa là lựa chọn của nhiều người Hà Nội bây giờ. Nó không những thỏa mãn thú chơi cầu kỳ sang trọng của khách mà còn là thu nhập cao gấp nhiều lần của người trồng đào. Đã có nhiều người dân miền núi chủ trương trồng đào để bán vào dịp tết như thế.

Thú chơi đào rừng có lẽ là một trong số rất ít nét văn hóa kinh kỳ còn giữ nguyên được bản sắc từ xa xưa đến giờ.

ĐỖ PHẤN
Ảnh: T.L

Tin cùng chuyên mục