Trồng một di sản

Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ tiếp tục xấu đi. Có tới 10/35 đài quan trắc thông báo chỉ số chất lượng không khí của thành phố này trong ngày 23-10 ở mức nghiêm trọng - mức cao nhất trong thang cảnh báo 6 cấp độ. 
Khói sương mù độc hại bao trùm New Delhi. Ảnh: REUTERS
Khói sương mù độc hại bao trùm New Delhi. Ảnh: REUTERS

Theo hãng thông tấn Press Trust of India, các cơ quan chức năng Ấn Độ đã dự báo chất lượng không khí sẽ tệ hơn trong những ngày tới. Ngoài nguyên nhân khí thải của các phương tiện vận tải và các khu công nghiệp, không khí tại vùng Delhi, bao gồm cả thủ đô, bị ô nhiễm còn do nông dân tại các bang lân cận là Punjab và Haryana đốt rơm rạ vào mùa Đông sau khi thu hoạch.

Dù vậy, Ấn Độ không thiếu những điểm sáng về giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu bằng những sáng kiến trồng thêm cây xanh. Mới đây, vào ngày 2-10, nhà hoạt động khí hậu Licypriya Kangujam đã tổ chức sinh nhật lần thứ 9 của mình. Thay vì đón nhận những lời chúc tốt đẹp trên mạng xã hội, cô bé đã đăng lời kêu gọi đề nghị 93.000 người theo dõi mình hãy trồng mỗi người một cây xanh. Và dòng Twitter kêu gọi đã trở thành một phong trào hoàn toàn mới có tên “Thứ hai cho Mẹ thiên nhiên”, nơi trẻ em đi học ở Ấn Độ và trên toàn thế giới được khuyến khích để lại di sản của mình bằng cách tham gia trồng cây: “Chúng ta nên thực hiện các hành động vì khí hậu bằng cách trồng cây hoặc ngừng sử dụng nhựa đã qua sử dụng tại nhà. Đây không phải là lúc chỉ chờ các nhà lãnh đạo hành động vì khí hậu”.

Hàng ngàn người đã hưởng ứng và cho đến nay hơn 240.000 cây đã được trồng ở Ấn Độ và trên toàn thế giới. Trẻ em ở Lucknow, Mumbai và các cộng đồng ở bang Manipur quê nhà của Licypriya, là những người đầu tiên tham gia. Tổ chức Môi trường Ấn Độ, Quỹ Sáng kiến Xanh Bền vững cũng hưởng ứng vào tổng số bằng cách trồng 200.000 cây ăn quả mang tên cô bé. “Chúng tôi chọn trồng cây ăn quả vì có thể thay đổi cuộc sống, đặc biệt là nông dân nghèo, bằng cách hỗ trợ sinh kế của họ có thêm thu nhập”, nhà hoạt động khí hậu 12 tuổi Aarav Seth đến từ Uttar Pradesh, nơi đã trồng những cây ăn quả, giải thích. Cậu bé cho rằng các sáng kiến này cũng nhằm chống lại đói nghèo cũng như bảo vệ môi trường.

Những người trẻ tuổi ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng tham gia, trồng 15.000 cây xanh mừng sinh nhật của nhà hoạt động khí hậu Ấn Độ theo sáng kiến có tên “Trồng một di sản”. Licypriya cho biết: “Tôi đặc biệt cảm ơn tất cả trẻ em, các bậc phụ huynh, các trường học, câu lạc bộ và tổ chức địa phương đã đến trồng cây vào ngày sinh nhật của tôi để mang lại sự thay đổi trên thế giới. Những nỗ lực như vậy mang đến một thông điệp tuyệt vời cho xã hội của chúng ta bằng cách tạo ra ý thức về môi trường và cảm giác chung sống với thiên nhiên mà không gây hại cho chúng”.

Ban đầu, kế hoạch là trồng một vài cây nhân dịp sinh nhật của mình, nhưng giờ đây, Licypriya đang hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho việc trồng 1 triệu cây xanh trước khi kết thúc năm 2020. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng cây bằng cách đặt mục tiêu tối thiểu 1 triệu cây vào ngày cuối cùng của năm 2020. Nhiều người nói rằng tôi còn quá trẻ để tham gia vào hoạt động như vậy nhưng tôi chứng minh cho họ thấy rằng tuổi tác không quan trọng để tạo ra sự khác biệt”, cô bé chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục