Dự kiến, tại phiên họp ngày 14-11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình và sau đó, cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại các tổ ĐBQH về vấn đề này.
Nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Những nguyên tắc làm cơ sở cho những quyết định của TPHCM cũng đã được nêu rất chặt chẽ và cụ thể trong bản Dự thảo.
Một số thẩm quyền được trao cho HĐND TPHCM
Trong đó, về quản lý đất đai có nội dung đáng lưu ý là HĐND TPHCM có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện một số quy định được cụ thể hóa ngay trong dự thảo Nghị quyết.
Về quản lý đầu tư, HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, trừ một số loại dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật đầu tư công.
Liên quan đến quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND TPHCM được đề nghị báo cáo Chính phủ trình UBTVQH quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí.
Đây là những vấn đề phải trình Quốc hội quyết định.
TPHCM thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương
Theo Dự thảo, số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 1 Điều này so với quy định hiện hành, ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, HĐND TPHCM quyết định dự toán ngân sách thành phố, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách và phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội.
Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TPHCM được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết này.
HĐND TPHCM cũng được quyết định tỷ lệ trích nguồn thu được để lại theo chế độ để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc các cơ quan, đơn vị này phải tự sắp xếp bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, ngân sách không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này; cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết này.
Chủ động hơn trong vay – trả nợ
Với “trần” chặn là tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP hàng năm (do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước), TPHCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TPHCM vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hàng năm, Chính phủ trình UBTVQH quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thành phố tương ứng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định tại điểm b, c, d, g, h, i, q khoản 1 Điều 35 Luật ngân sách nhà nước so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.
Ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TPHCM làm đại diện chủ sở hữu.
TPHCM sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố; ngân sách Trung ương sẽ không bổ sung cho Thành phố 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đối với các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trên địa bàn Thành phố, cho phép Thành phố sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của Thành phố, vay trong phạm vi quy định tại khoản 5 Điều này hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư PPP để sớm hoàn thành dự án.
Ngân sách Trung ương có trách nhiệm, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo, hoàn trả cho Thành phố phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
HĐND TPHCM quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm
Theo Dự thảo, HĐND TPHCM sẽ quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố.
Về cơ chế ủy quyền, Chủ tịch UBND TPHCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM.
UBND TPHCM quy định các nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch UBND quận, huyện thuộc TPHCM được ủy quyền cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND quận, huyện, không được ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này.
UBND TPHCM được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM để phù hợp với đặc điểm của Thành phố. Việc áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp cũng đã được quy định rõ tại Dự thảo.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trước khi hết thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.