Cạnh tranh giữa các cường quốc
Theo Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách phòng thủ tên lửa và hạt nhân, ông Robert Soofer, Mỹ đang xem xét có nên gia hạn START mới hay không và Washington vẫn chưa đưa ra quyết định nào về khả năng kéo dài thêm 5 năm nữa hay không sau khi START mới hết hạn vào năm 2021. Hiệp ước này được Nga và Mỹ ký vào năm 2010 và có hiệu lực vào năm 2011.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, cả hai quốc gia sẽ cắt giảm số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được triển khai, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân và đầu đạn hạt nhân. Mỹ đã tuyên bố hoàn thành các mục tiêu của START mới vào tháng 8-2017, nhưng Nga chưa tuyên bố.
Tuyên bố của quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ phản ánh chính sách quốc phòng mới của Tổng thống Donald Trump. Ngày 19-2, Lầu Năm Góc công bố chiến lược quốc phòng mới, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, trong đó cạnh tranh chiến lược là “thách thức trung tâm đối với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ” khi khả năng quân sự của Nga và Trung Quốc được mở rộng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhiều lần lặp lại mối quan ngại này trong các đánh giá tình hình hạt nhân, cho rằng Mỹ không còn đủ khả năng để theo đuổi chính sách cắt giảm vũ khí hạt nhân khi vũ khí này của Nga và Trung Quốc “tăng trưởng ổn định”.
Theo chính sách mới, chủ đề chung là cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, chứ không phải khủng bố, sẽ là trọng tâm tiếp theo của chiến lược an ninh Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cho rằng công nghệ vũ khí mới gây mất ổn định đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn, trong khi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí ngày càng trở nên lỗi thời.
Nga tăng đối trọng với Mỹ
Gần đây, trang mạng Washington Free Beacon của Mỹ đưa tin các quan chức của Lầu Năm Góc cho biết Nga đang tích cực tăng cường sức mạnh hạt nhân, dự kiến đến năm 2026 sẽ triển khai một đơn vị lực lượng hạt nhân với tổng số 8.000 đầu đạn, trong đó vừa bao gồm đầu đạn hạt nhân cỡ lớn, vừa bao gồm hàng ngàn đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ thấp và rất thấp kiểu mới.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là hệ thống phóng đạn hạt nhân với uy lực tương đối thấp và tầm bắn ngắn cùng với hệ thống vũ khí gồm hệ thống chỉ huy kiểm soát thông tin tương ứng, chủ yếu dùng cho các mục tiêu quan trọng trong các chiến dịch tấn công kẻ địch hoặc đi sâu chiến thuật.
Trong tình hình thông thường, đương lượng nổ của đầu đạn hạt nhân trong vũ khí hạt nhân chiến thuật nằm ở khoảng giữa vài chục tấn đến vài trăm ngàn tấn thuốc nổ TNT, tầm bắn ở khoảng vài chục đến vài trăm kilômét. Tuy sức sát thương không bằng vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng có ưu thế vận dụng mức độ tấn công chuẩn xác cao, loại hình vũ khí đa dạng và hiệu quả sát thương có thể kiểm soát.
Những năm gần đây, sở dĩ Nga nỗ lực tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật là để “cân bằng” với sự bao vây quân sự bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của NATO đứng đầu là Mỹ.
Các nguồn tin cho biết 6 căn cứ không quân của Mỹ hiện nay ở 5 nước châu Âu là Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bố trí khoảng 200 bom hạt nhân chiến thuật B61-3/4 có thể được lắp trên máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và máy bay chiến đấu Panavia Tornado của châu Âu. Những lực lượng này đã cấu thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga.
Trang tin quân sự Rosinform của Nga vào tháng 10-2014 từng đăng bài viết cho biết lập trường của nước này trong vấn đề tăng cường vũ khí hạt nhân chiến thuật theo hướng này là vì Lầu Năm Góc một mặt duy trì vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu vực trên, mặt khác còn thiết lập hệ thống chống tên lửa đạn đạo lục quân và hải quân hiện đại.