Theo đó, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân sẽ được triển khai tại 34 tỉnh, thành phố. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thiết lập hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó với sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; bảo đảm việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực cần thiết nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, môi trường và tài sản khi xảy ra sự cố; bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành và chỉ huy ứng phó sự cố tuân theo nguyên tắc thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố…
Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ hạt nhân cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở cho việc triển khai các công tác chuẩn bị, phối hợp giữa các bộ, ngành trong thời gian tới; chủ trì xây dựng dự thảo thông tư về lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Với các nguồn phóng xạ tiềm ẩn nguy cơ mất, thất lạc, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chủ động thu gom, lưu trữ theo dự án hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) theo kế hoạch của quý 3-2017.
Liên quan đến vấn đề an toàn bức xạ hạt nhân, ông Trương Hồng Dương, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN, cho biết sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ. Theo thống kê của Bộ KH-CN, tính đến cuối năm 2016, trên toàn quốc có 1.121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3.932 nguồn. Trong số đó, các cơ sở công nghiệp chiếm 78,2%, cơ sở y tế chiếm 11%, cơ sở hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử chiếm 1,8%, cơ sở nghiên cứu chiếm 3,6%, cơ sở xuất nhập khẩu chiếm 1,8% và các cơ sở vàng bạc, hải quan, địa chất chiếm 3,6%. Năm 2016, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã lập 13 đoàn để thanh tra, kiểm tra 55 cơ sở tại 16 tỉnh, thành phố.