Reuters dẫn nguồn từ Bộ Thương mại và Du lịch Peru cho biết thỏa thuận được đại diện của 4 quốc gia ký kết ở thủ đô Quito của Ecuador, theo đó sẽ giữ nguyên ưu đãi thuế quan cho các quốc gia Nam Mỹ sau Brexit. 3 nước này đã có thỏa thuận thương mại hiện có với EU.
Thỏa thuận sẽ giúp bảo vệ kim ngạch thương mại 2,1 tỷ bảng Anh và mang lại sự liên tục cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai bên, bảo vệ công ăn việc làm của Anh. Năm 2017, đã có 1.500 doanh nghiệp Anh xuất khẩu hàng hóa sang Colombia, 600 doanh nghiệp xuất khẩu sang Ecuador và 1.300 xuất khẩu sang Peru. Từ năm 2008 đến 2018, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh sang 3 nước này tăng 58% và nhập khẩu tăng 24%. Thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp giao dịch tự do như hiện tại sau khi Anh rời EU, mà không có bất kỳ rào cản hoặc thuế quan bổ sung nào.
Vương quốc Anh đang tìm cách đảm bảo tính liên tục cho các FTA hiện tại giữa EU và khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thỏa thuận này chỉ có hiệu lực khi hiệp định thương mại tự do EU - Andean không còn áp dụng với Anh. Cho đến nay, Anh đã ký FTA với 10 quốc gia và khu vực. FTA giữa 3 nước Nam Mỹ với Anh chủ yếu bảo vệ ngành nông nghiệp của các nước này vì từ 60-70% hàng xuất khẩu của họ sang Anh là nông sản như chuối hoặc cà phê, sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp không có FTA vào thời điểm Brexit.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang âm thầm thực hiện các động thái thương mại lớn có tiềm năng với Anh. Một nửa còn lại trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump có thể bắt đầu thực hiện mục tiêu mà ông lặp đi lặp lại là xúc tiến các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương thay cho đa phương. Ưu tiên trước mắt là FTA với Anh. Vào tháng 10-2018, ông Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ, đã thông báo cho Quốc hội về ý định của Mỹ mở cuộc đàm phán thương mại với Anh. Và trong năm nay, trong khi chờ đợi FTA mới với Anh, Anh và Mỹ đã đồng ý tiếp tục thỏa thuận công nhận lẫn các thỏa thuận thương mại đã ký, đảm bảo hàng hóa của 2 nước đáp ứng các tiêu chuẩn quy định phù hợp ở mỗi thị trường. Điều này bao gồm khoảng 12,8 tỷ bảng Anh thương mại trong các lĩnh vực từ dược phẩm đến thiết bị viễn thông.
Cùng với các thỏa thuận tương tự mà Anh đã ký với Australia và New Zealand, FTA với Mỹ cho thấy Anh hoàn toàn có khả năng đàm phán các hiệp định thương mại của riêng mình. Trong khi đó, EU dường như chậm chân hơn so với Anh khi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đang rơi vào bế tắc mà một trong những nguyên nhân là các quy định khắt khe về các tiêu chuẩn hàng hóa của EU không được Mỹ chấp thuận. Theo các nhà phân tích, đây là thời điểm đặc biệt tốt để cố gắng mở rộng quyền xâm nhập vào thị trường của Anh trước khi nước này không còn ràng buộc với EU. Mỹ xem Anh là “mỏ neo thương mại tự do” ở châu Âu. Đối với nước Anh thời hậu Brexit, việc các nước tranh thủ ký với FTA với Anh phản bác lại lập luận cho rằng London sắp tự cô lập mình trong nền kinh tế toàn cầu.