1.Trong lịch sử sân khấu cải lương Sài Gòn, một “vở diễn vấy máu” - hiểu theo nghĩa đen - đã xảy ra cho sân khấu Kim Thoa tại rạp Nguyễn Văn Hảo vào đêm 19-12-1955.
Theo lời kể của nghệ sĩ Duy Lân, vở Lấp sông Gianh (của Kinh Luân) được đoàn Kim Thoa dàn dựng, trong vở này, những nghệ sĩ phục trang đặc trưng vừa miền Nam, vừa miền Bắc đã kêu gọi lấp sông Gianh, không gì khác hơn là ẩn ý kêu đòi lấp sông Bến Hải để 2 miền Nam - Bắc không còn chia cắt.
Lúc ấy, nhiệm vụ của các cây bút, văn nghệ sĩ từ vùng kháng chiến về Sài Gòn là đòi chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải thực thi Hiệp định Genève 1954. Vở Lấp sông Gianh chính là sự thể hiện nội dung nói trên từ các soạn giả và nghệ sĩ cải lương đang hoạt động trong nội thành.
Khán giả gai người khi nghệ sĩ Sáu Thoàng trong vai một nông dân, sau khi dứt sáu câu vọng cổ liền ngâm thơ: Lấp sông Gianh này, lấp sông Gianh/Lấp sông, lấp cả những bầy sói lang/Thanh bình ta đón nhau sang/Ngàn năm con cháu Hồng Bàng cầm tay… Đèn tắt để tập trung ánh sáng viền nổi trên 2 phần tấm bản đồ Nam Bắc Việt Nam đang từ từ nối lại, biểu tượng một nước Việt Nam nối liền thống nhất.
Hình bóng của chàng Từ Vũ và nàng Thơ Đào hiện ra giữa sân khấu. Theo lời kể của nghệ sĩ Văn Sa, khi Từ Vũ cất cao lời hiệu triệu: Hỡi đồng bào hãy chung sức hợp cùng với Từ Vũ/ Thơ Đào lấp cạn sông Gianh để ngàn năm nêu cao gương thống nhất thì một quả lựu đạn từ đâu quăng lên đã nổ ngay trên sân khấu. Sau tiếng nổ, khán giả bất ngờ không trông thấy gì ngoài những con người ngã gục, máu me đầy mình.
Nghệ sĩ Ba Cương đóng vai người nông dân hưởng ứng lấp sông Gianh chết ngay trên sân khấu. Nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai (báo Lẽ Sống) chết trong bệnh viện sau một ngày, nghệ sĩ Duy Lân bị cụt chân trái. Nghệ sĩ Tám Sự mù 2 mắt. Hề Phiên chết sau đó 3 tuần lễ. Nghệ sĩ Sáu Thoàng, Ngọc Bình, Thiên Kim, Bảy Xê, Văn Sa… bị thương.
Sau sự kiện đoàn Kim Thoa bị ném lựu đạn khủng bố trong khi diễn, NSND Ba Vân cho biết, Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế đã mở cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân, tổ chức đưa tang người tử nạn, kéo dài từ rạp Nguyễn Văn Hảo đến trụ sở hội và tổ chức suất hát Bắc Nam do nhóm Năm Châu, Ba Vân diễn.
2.Trước đó, vào đầu tháng 3-1955 đoàn Việt kịch Năm Châu đã giới thiệu với công chúng vở Người mặt cháy. Theo NSND Ba Vân, vở trên phỏng theo vở Mối tình cao thượng do Bảo Định Giang và Bích Lâm viết, dựa vào truyện Tính cách Nga của Aleksey Tolstoy. Vở với nội dung nói về tình nghĩa mẹ con, tình nghĩa dân quân và nhắc nhở người dân hãy nhớ đến công lao những người kháng chiến. Vở từng được diễn thành công tại khu 8 và khu 9 trong hai năm 1948 và 1949.
Nghệ sĩ Năm Châu giao cho Nguyễn Phương ghi lại, Tám Vân viết bài ca và đóng vai chính. Sau khi dàn dựng xong, đoàn Việt kịch Năm Châu đi lưu diễn một vòng ở Bến Tre trước khi về Sài Gòn để thăm dò thái độ của khán giả và chính quyền tỉnh, quận. Tuồng hát được đồng bào tán thưởng nhiệt liệt.
“Trong khí thế thành công, đoàn Việt kịch Năm Châu hát tuần tự từ Mỏ Cày, Mỹ Tho qua Chợ Gạo, Cai Lậy rồi mới về Bình Chánh, Bà Chiểu, Gò Vấp… Các báo Tiếng Dội, Tin Mới… đều có bài khen ngợi vở hát. Mãi đến cuối năm 1955, đoàn Việt kịch Năm Châu mới chính thức đưa Người mặt cháy trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo” (Nghệ sĩ Ba Vân và sân khấu cải lương - Trần Việt Ngữ).
Khi Người mặt cháy vừa ra mắt khán giả đô thành thì một nhóm ký giả thân cận chính quyền liền mở mặt trận tấn công bằng dư luận trên các mặt báo như Tự Do, Ngôn Luận… rồi sau đó tố cáo với Bộ Thông tin về những thông điệp ẩn của vở. Lực lượng ký giả kịch trường của những tờ báo tiến bộ viết bài bảo vệ Người mặt cháy. Và sau cùng, chính quyền cũng cấm diễn vở kịch vì thấy sự nguy hiểm của nó.
Dù bị cấm diễn, nhưng nghệ sĩ Năm Châu vẫn lạc quan: “Tụi nó tố cáo Người mặt cháy xuất phát từ truyện Tính cách Nga quả không sai. Anh em mình đã biết “Việt Nam hóa” sự kiện để nói lên cái gì đó. Bây giờ phe ta đã thắng vì tuồng mình đã trình diễn, đông đảo khán giả đã thưởng thức. Quần chúng thấy rõ, anh em ký giả của nhiều tờ báo lên tiếng ủng hộ vở hát hết mình” (theo Thiện Mộc Lan).
3.Vào tháng 5-1957, đoàn cải lương Phước Chung đã phát quảng cáo giới thiệu chương trình mới như sau: “Đoàn nghệ sĩ Phước Chung. Tuần lễ ca nhạc kịch vĩ đại từ 13 đến 19-5-1957. Bảy vở chọn lọc trên một sân khấu huy hoàng…”.
Đoàn Phước Chung chính là đoàn Việt kịch Năm Châu sau khi Người mặt cháy bị khủng bố phải rã gánh và dựng lại bảng hiệu mới. Đây là một đoàn cải lương dạng tập thể đầu tiên, không có bầu quản lý, chỉ là các anh chị em nghệ sĩ sống đùm bọc lẫn nhau.
Hiểu rõ hơn ai hết là đang bị chính quyền “soi” kỹ nên đoàn Phước Chung chọn con đường lưu diễn xa để bảo toàn lực lượng và dựng vở với dụng ý chiến đấu bằng nghệ thuật. Nhụy Hoa Lan do Mai Quân, Hoàng Kinh cùng với Yến Châu, Yến Lang viết và đưa ra công diễn vào tháng 5-1957, một tháng có ngày 19-5 hết sức ý nghĩa với người kháng chiến. Với vở này, đoàn lưu diễn các tỉnh miền Trung, vùng lục tỉnh.
Theo lời tác giả Ngọc Linh - người có chân trong ban chấm giải Thanh Tâm năm 1959, những ký giả yêu nước đã vận động cho nữ nghệ sĩ Lan Chi - nữ diễn viên chính của đoàn - đoạt giải Thanh Tâm để có cớ đưa đoàn cải lương Phước Chung ra mắt tại Trường Quốc gia âm nhạc, biểu diễn trước quan khách, văn nghệ sĩ và báo chí một cách công khai, tạo điều kiện cho đoàn đưa vở đến khán giả đô thành Sài Gòn.
Không ngờ, sau đêm diễn trao giải Thanh Tâm, nhóm ký giả thân chính quyền tố cáo vở Nhụy Hoa Lan đã viết dựa theo vở Bạch Mao Nữ của Trung Quốc, rằng: “Việt cộng đã bao giàn cho đoàn Phước Chung”. Mặc dù một số ký giả kịch trường đã viết bài phản đối lại nhưng vở Nhụy Hoa Lan vẫn bị chính quyền ra lệnh cấm.
Đoàn cải lương Phước Chung và soạn giả Mai Quân bị truy bức đến nỗi một thời gian sau này, soạn giả Mai Quân phải vào chiến khu. Mặc dù bị chính quyền “soi” kỹ nhưng sau vở Nhụy Hoa Lan, đoàn Phước Chung với soạn giả Việt Thường vẫn đưa lên sàn diễn vở Sau trận bom, đề cao vai trò lãnh đạo chiến đấu của công nhân nhưng rồi cũng bị rút giấy phép công diễn.
Một trăm năm sân khấu cải lương Sài Gòn thì không thể quên cái chết của những nghệ sĩ trên sàn diễn. Một trăm năm sân khấu cải lương không chỉ có những vở diễn êm đềm, không chỉ có những tấm màn nhung mượt mà khi những nghệ sĩ, soạn giả, bầu gánh đã dùng nghệ thuật cải lương như là một vũ khí chiến đấu. Cải lương Sài Gòn những năm tạm chiếm đã không tách rời khỏi cuộc chiến đấu chung của dân tộc…