Nhưng khi đã biết, đã trải nghiệm, thì đây là dịp hiếm hoi, là cơ hội để “chạm đến” gần hơn với nét văn hóa đặc sắc của đất nước Đông Nam Á này...
Gói bánh chưng là nét văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam
Một ca sĩ người Mỹ sống ở Việt Nam hơn 7 năm chia sẻ, lúc đầu anh chưa trải nghiệm tết ở TPHCM nên cảm thấy rất kỳ lạ. Tại sao mới vừa hôm qua (ngày 30 tết), đường sá vẫn tấp nập, nhộn nhịp, tiếng còi xe, âm thanh người người nói chuyện rôm rả, vậy mà chỉ qua sáng hôm sau, không khí tấp nập, sôi động, ồn ào, kẹt xe của những ngày thường như biến đâu mất.
Thay vào đó là một thành phố vắng vẻ, yên tĩnh đến lạ lùng. Nhấc điện thoại gọi những người bạn Việt Nam thì đều trả lời: Không có mặt ở Sài Gòn, đang vi vu du xuân cùng gia đình.
Sau khi trải qua vài cái tết ở đủ mọi miền đất nước, anh kết luận: “Tết Việt Nam rất tuyệt, người nào cũng vui và cởi mở hơn trong ngày tết. Không những vậy, đến nhà nào chơi cũng được mời ăn bánh chưng, bánh tét và các loại bánh, mứt”.
Thậm chí anh ao ước rằng, giá như ngày nào cũng là tết để… không kẹt xe, không nóng vội và ai cũng nở nụ cười thân thiện, thương yêu nhau nhiều hơn…
Cùng tâm trạng với chàng ca sĩ người Mỹ, một thầy giáo dạy tiếng Anh người Nigeria đang sống ở Hà Nội cũng chia sẻ: “Tôi cứ tưởng mình sẽ chết đói vì không ai bán đồ ăn”.
Mùng 1 Tết, anh thức dậy và như mọi lần, xuống phố ăn phở, nhưng mọi quán vẫn chưa mở. Anh cứ ngỡ mình thức dậy quá sớm nhưng nhìn đồng hồ đã gần 9 giờ sáng. Không tin vào mắt mình, anh đi một vòng quanh khu vực sinh sống (gần 2km) và y như vậy, không quán nào mở cửa, thậm chí nhà dân cũng đóng cửa im ỉm.
Hóa ra, tết Việt Nam là vậy, hầu hết mọi gia đình đều lên kế hoạch du xuân. Hàng quán sẽ đóng cửa ít nhất một hoặc hai ngày. Có khi nhiều quán chọn ngày khai trương vào mùng 5 hoặc mùng 10.
Anh kết luận: “Người Việt Nam ăn tết lớn lắm, nghỉ tết có khi cả tuần, 10 ngày và trong những ngày tết khi đi ra đường cứ như đi xem hội, ở đâu cũng có nhạc xuân rộn rã, còn người dân thì toàn mặc đồ đẹp, áo dài thướt tha".