Ông Nguyễn Như Khuê
Vì ông có lý lẽ riêng của mình
Học hết phổ thông, năm 1969, Nguyễn Như Khuê sang Đức du học, ngành cơ khí chế tạo máy. Tại Đức, sinh viên Nguyễn Như Khuê cùng các bạn học miền Nam hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên yêu nước. Những ngày tháng hoạt động sôi nổi đó càng gắn kết tình cảm và những sinh viên như Nguyễn Như Khuê luôn cháy bỏng khát vọng học xong sẽ về Việt Nam xây dựng quê hương thống nhất, giàu đẹp.
Năm 1977, Nguyễn Như Khuê về nước thăm nhà. Song, những dự định, khát vọng của Khuê lại chưa được nảy nở, thành tựu. Trở lại Đức, Nguyễn Như Khuê vào làm việc cho một tập đoàn lớn của Đức. Tiếp đó, Khuê sang làm cho ICI của Anh - một trong 5 tập đoàn hóa học lớn nhất của thế giới vào thời điểm đó. Những chuyến công tác dày đặc đưa Khuê đến với nhiều quốc gia nhỏ hơn Việt Nam về dân số nhưng rất phát triển, nhiều vùng đất hẻo lánh không có gì hết mà lại có các nhà máy mọc lên ở đó, do chính những người con từ nơi này xây dựng. Sự phát triển kỳ diệu, sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia nhỏ bé, của các vùng đất thật sự là điều hấp dẫn Khuê. Và, cũng khiến ông chạnh lòng, trăn trở nhớ về quê nhà.
Năm 1993, ông được cử đến Singapore, làm Giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Krauss Maffei (Đức). Đi xa, có dịp tìm hiểu về kinh tế các nước trên thế giới và trong khu vực, nhận thấy vị thế của nền kinh tế Việt Nam còn quá khiêm tốn, Nguyễn Như Khuê lại bùng lên ý chí trở về quê nhà góp sức. Rồi ông bỏ hết, về nước.
Nguyễn Như Khuê bắt đầu một hành trình mới, lập Công ty Lotus Chemical Technology, chuyên sản xuất hạt nhựa PVC, kinh doanh thiết bị ngành nhựa vào năm 1994 tại TPHCM, đưa công nghệ nhựa hiện đại về Việt Nam. Từ người đang nhận lương cao ngất ngưởng, thành người không có lương gì cả, còn phải đi vay tiền để xây nhà xưởng và trả lương cho người khác. Từ người được lo nhà xe đầy đủ, thành người phải đi xe gắn máy, ở văn phòng. Đôi khi ông tự vấn “con đường mình đi có đúng hay không”? Ông có lý lẽ riêng của mình. Nguyễn Như Khuê chia sẻ, nước nào cũng xuất phát từ trong nghèo đói. Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… cũng thế, không giàu có sẵn. Nhưng họ đã quyết tâm đi lên. Người dân bình thường không thể làm được, càng đòi hỏi giới tinh hoa - trí thức - phải có trách nhiệm.
“Bao nhiêu năm làm việc ở nước ngoài, “nợ” cho bản thân, “nợ” cho gia đình, tôi đã trả bằng sự trưởng thành của mình. Nhưng còn một “món nợ” tôi chưa trả được, đó là “nợ” với đất nước. Đó là trách nhiệm của người trí thức”, Nguyễn Như Khuê tâm sự.
Từ năm 2009-2013, Lotus là công ty xuất khẩu ngành nhựa lớn nhất Việt Nam, xuất khẩu đạt 60 triệu USD/năm. Khi điều kiện sẵn sàng, Nguyễn Như Khuê lại dấn thân vào một lĩnh vực mới: công nghệ cao của ngành nhựa. Bạn bè nhiều người khuyên “Trời ơi, ông Khuê, làm chi nữa cho mệt”, chỉ cần “rải” tiền vào bất động sản, hay một lĩnh vực dịch vụ, thì có thể thu về lượng tiền nhiều và nhàn. Trước những lời chia sẻ của bạn bè, Nguyễn Như Khuê thừa nhận, ở một chừng mực nào đó, họ đúng.
“Nhưng giá trị cống hiến cho xã hội là gì? Một đất nước muốn đi lên bền vững, phải có nền sản xuất làm nền tảng, làm điểm tựa, chứ không thể nào chỉ có dịch vụ. Phải làm chủ công nghệ để tạo ra sản phẩm thực sự, chứ không thể quanh năm đi nhập hàng hóa về xài”, ông phân tích.
Trong khi xã hội bị nhiễu giá trị, ông vẫn tâm huyết theo đuổi chân giá trị, không chạy theo “giá tiền”. Ông kiên quyết đầu tư chứ không đầu cơ. Ông trung thành với con đường sản xuất mình đã chọn lựa. Ông cũng tự nhận lãnh về mình phần việc khó - đi sâu vào công nghệ cao trong ngành nhựa.
Hiện nay, ông Nguyễn Như Khuê vẫn bền bỉ làm lụng, cống hiến với mong mỏi người Việt Nam xứng đáng được hưởng những dịch vụ tốt nhất, được dùng những hàng hóa tốt nhất do người Việt sản xuất. Bởi “mình không trọng chính mình thì ai sẽ trọng mình đây”. Ông cũng tin rằng, nếu mỗi người đều có lòng tự hào, tự trọng dân tộc thì đất nước sẽ tự cường và mỗi gia đình, mỗi cá nhân sẽ phát triển.