Đó là thực tế mà nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang làm nhằm sản xuất và cung ứng sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Thực tế này cũng xuất phát từ hiện trạng DN nước ta vốn quen chọn thị trường dễ tính để xuất khẩu và khi các thị trường dễ tính không còn thuận lợi, các DN mới bắt đầu có những bước đi chập chững trong việc làm quen với việc cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho các tập đoàn đa quốc gia.
Sản xuất linh kiện nhựa cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài tại một doanh nghiệp ở TPHCM. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Cần hỗ trợ công nghệ hơn vốn
Việc định hướng sản xuất sản phẩm phụ trợ là câu chuyện cũ 10 năm kể lại. Bởi lẽ 10 năm trước, trong chiến lược phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là ngành cơ khí đã bao hàm chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT). Thế nhưng, từ đó đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được trung tâm tư vấn có chất lượng để hỗ trợ, định hướng cho các DN phát triển sản phẩm hỗ trợ.
Theo mô hình phát triển tại Hàn Quốc và Nhật Bản, DN sản xuất sản phẩm CNPT không cần phải có quy mô sản xuất lớn mà dạng vừa và nhỏ. Mỗi DN sản xuất một khâu nhất định và có sự liên kết rất chặt chẽ với nhau thành chuỗi liên hoàn sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Cách làm này vừa giúp họ giảm chi phí sản xuất, gánh nặng hệ thống quản lý, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho DN. Tuy nhiên, để làm được điều này phải bắt nguồn từ vai trò xúc tác liên kết giữa các hiệp hội và chính quyền địa phương.
Nhìn lại thực trạng phát triển ngành này tại Việt Nam thì yếu tố nào trong hai yếu tố trên cũng thiếu và yếu. Gần đây nhất, theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ DN Việt Nam phát triển sản phẩm phụ trợ. Còn khi nào sẽ hiện thực hóa được những trung tâm này thì phải chờ. Còn về tính liên kết các DN thành nhóm sản xuất CNPT, thì các DN nước ta rất yếu, nếu không muốn nói là gần như không có.
Chia sẻ công đoạn sản xuất - yếu tố thành công
Không nhận được sự hỗ trợ đúng từ phía nhà nước, nhiều DN Việt Nam đã bắt đầu chủ động hơn với việc tham gia vào thị trường cung ứng sản phẩm phụ trợ. Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại Lidovit cho biết, bước đầu công ty đã tiếp cận với Tập đoàn Samsung để tiếp thị sản phẩm của mình. Có thể nói, các bước hoàn thiện hồ sơ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn lớn khá phức tạp. Cái khó là không phải chúng ta không đủ năng lực sản xuất mà là từ trước đến nay chúng ta chưa có những kinh nghiệm cần thiết trong việc lập hồ sơ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về giá thành cũng là vấn đề cần phải quan tâm. Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi DN phải thực hiện cạnh tranh giá toàn cầu. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM cho biết, vừa qua, nhiều DN trong hiệp hội đã tổ chức họp và chọn ra một số sản phẩm phù hợp với danh sách sản phẩm hỗ trợ mà Tập đoàn Samsung đưa ra. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng giá thành sản phẩm khó cạnh tranh lại với những DN trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Không chỉ vậy, nhiều DN trong nước cho rằng, về phía cơ quan chức năng cần xem xét lại sự chặt chẽ giữa chính sách ưu đãi đầu tư cho DN nước ngoài với các điều kiện ràng buộc ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Đơn cử như trường hợp Tập đoàn Samsung, dù DN Việt Nam có đủ năng lực đáp ứng từ công đoạn xây dựng nhà xưởng đến cung ứng sản phẩm có chất lượng cao, nhưng họ vẫn từ chối ưu tiên cho DN Việt. Điển hình nhất là từ khâu xây dựng nhà xưởng, cung ứng những sản phẩm giản đơn nhất, họ cũng ưu tiên cho DN Hàn Quốc nói chung. Điều này có thể xuất phát từ yêu cầu đảm bảo sự thành công của Samsung khi đầu tư tại Việt Nam nhưng mặt khác cho thấy, họ chưa thực sự ưu tiên cho sản phẩm tại nước sở tại. Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, công ty đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Samsung nhưng những thắc mắc cần họ tư vấn để hoàn thiện hồ sơ năng lực cung ứng sản phẩm không được họ hỗ trợ trả lời thỏa đáng. Thậm chí, một số DN khi thực hiện báo giá sản phẩm như yêu cầu vẫn không nhận được sự phản hồi tích cực từ Tập đoàn Samsung.
Có ba yếu tố quan trọng để trở thành thành viên chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ toàn cầu là chất lượng, hệ thống quản lý và giá thành. Tiêu chuẩn của ba yếu tố này không chỉ dừng lại phạm vi trong nước hay một quốc gia nào mà phải là tiêu chuẩn toàn cầu. Vấn đề yếu nhất của DN Việt Nam hiện tại chính là hệ thống quản lý. Trong thời gian qua, phải ghi nhận là rất nhiều DN Việt Nam đã chủ động chuyển mình để đạt được yêu cầu về tiêu chuẩn quản lý. Rất nhiều hồ sơ năng lực cung ứng sản phẩm đã được chuyển đến hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn nói chung. Thậm chí, để chấp nhận có tên tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều DN nội đã không ngại chấp nhận là nhà cung ứng cấp 3, 4 cho nhà cung ứng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để DN nội thực sự đứng chân được trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần các cơ quan chức năng phát huy hơn nữa vai trò quản lý của mình trong việc ràng buộc DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nội địa. Về phía các hiệp hội ngành nghề cần làm tốt hơn nữa vai trò chia sẻ thông tin, gắn kết các DN nội với nhau. Đặc biệt, đã đến lúc các DN nội cần đoàn kết tạo nên chuỗi liên hoàn trong sản xuất với chi phí tiết kiệm nhất. Có như vậy mới có cơ hội cạnh tranh lại với các DN trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt.
Ái Vân