TPHCM đứng đầu về cung ứng dịch vụ công

Khảo sát mức độ hài lòng theo chỉ số PAPI

PAPI là chỉ số khảo sát, đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, được ghi nhận từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Chỉ số này phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Kết quả khảo sát cho thấy, TPHCM đứng đầu về lĩnh vực cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng thể hiện lĩnh vực đất đai và y tế “nóng” về tham nhũng.

Người dân có nhiều kênh lựa chọn

Điểm qua từng chỉ số, Bình Dương là tỉnh nhiều năm liền bị đánh giá chưa cao về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Trong khi đó, TP Đà Nẵng đạt điểm cao nhất về “công khai quy hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất”, tỉnh Bình Phước đạt điểm cao nhất ở nội dung “công khai ngân sách cấp xã”. Về chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân thì tỉnh Quảng Ngãi đạt điểm cao nhất, trái lại với tỉnh Kiên Giang đạt điểm thấp nhất toàn quốc.

Đối với tham nhũng, hai thành phố lớn lại “đội sổ” như TPHCM và Hà Nội điểm thấp nhất trong nhiều năm liền. Trong khi các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang và Bến Tre đạt điểm cao nhất trong kiểm soát tham nhũng ở khu vực công. Đặc biệt, Long An là tỉnh đạt điểm cao nhất ở chỉ số này 6 năm liên tục. Còn về thủ tục hành chính công, các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum và Đắk Nông đứng thấp nhất.

Riêng ở TPHCM, những năm qua liên tục thực hiện nhiều cải tiến trong cải cách hành chính, như mở nhiều kênh thông tin tiếp nhận ý kiến người dân, doanh nghiệp; người dân có thể chọn nhiều kênh tiến hành thủ tục hành chính như đặt lịch hẹn qua tổng đài, đăng ký kinh doanh qua internet, thanh toán điện tử… tạo thuận tiện cho người dân không phải đi lại nhiều lần. Đó là lý do chỉ số “cung ứng dịch vụ công” của TPHCM đã vươn lên tốp đầu, đứng cùng với TP Đà Nẵng từ năm 2011 đến nay. Trong khi đó, Hà Nội là TP lớn nhưng chưa bao giờ có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất này.

Doanh nghiệp khởi nghiệp được tư vấn về thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đất đai và y tế vẫn nóng

Để đánh giá chính xác hiện trạng tham nhũng, PAPI đã khảo sát dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi trực tiếp sử dụng dịch vụ công để cho ra kết quả, chứ không khảo sát dựa trên cảm nhận của người dân. Do vậy, kết quả này là kết quả thực tế trải nghiệm của bản thân hoặc người thân trong hộ gia đình người trả lời, thể hiện mức độ chính xác trong đo lường hiện trạng tham nhũng. Kết quả, câu trả lời lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất là ở lĩnh vực đất đai và y tế.

Sau kết quả đánh giá lần trước cho thấy, bức xúc nhiều nhất của người dân là liên quan tới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tham nhũng khác trong lĩnh vực đất đai, nên thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã quyết định thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về TN-MT. Trong đó, Bộ TN-MT tập trung xử lý nhũng nhiễu trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả, theo báo cáo của Bộ TN-MT, sau 3 tháng thiết lập đường dây nóng, bộ đã tiếp nhận gần 1.700 ý kiến phản ánh tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai. Rất nhiều người trả lời họ đã phải “lót tay” hoặc bồi dưỡng thêm cho công chức, viên chức, ngoài các khoản chi thông thường. Đến kết quả khảo sát lần này cho thấy mức độ tham nhũng ở lĩnh vực đất đai có giảm, từ 44% năm 2015 xuống còn 23% năm 2016, nhưng đây cũng là con số cao, cần được quan tâm xử lý tiếp.

Bên cạnh tham nhũng trong hoạt động xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ở lĩnh vực khám, chữa bệnh tại bệnh viện công (tuyến quận, huyện) cũng bị đánh giá tham nhũng ở mức độ cao. Nghiên cứu từ PAPI cho thấy, số người phải chung chi khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần nào có tác động tới hành động của cơ quan chủ quản. Ngược lại, tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện công tuyến quận, huyện để họ hoặc người thân được thăm khám bệnh tốt hơn lại tăng, từ 12% năm 2015 lên 17% năm 2016. Đây cũng là lĩnh vực mà ngành y tế cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng hơn với dịch vụ y tế công lập.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục