TPHCM đề nghị các tỉnh phối hợp triển khai đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản số 1726 gửi UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bến Tre, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long về việc hỗ trợ phối hợp triển khai đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo.

(SGGP).- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản số 1726 gửi UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bến Tre, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long về việc hỗ trợ phối hợp triển khai đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Trong văn bản, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ TPHCM, thông qua việc chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai nội dung của đề án và đề nghị các cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia chương trình, khi bán heo vào TPHCM phải đeo vòng nhận diện (vòng màu vàng) vào chân heo và cung cấp thông tin về nguồn gốc của con heo do cơ sở mình bán ra. TPHCM sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các cơ sở chăn nuôi tham gia vào chương trình và cung cấp đầy đủ thông tin trên vòng nhận diện khi xuất bán heo.

Việc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc nhằm khẳng định rõ ràng và công khai thông tin nguồn gốc heo cho người tiêu dùng, đồng thời khẳng định uy tín của nguồn heo do các địa phương cung cấp cho thành phố, tạo tiền để cho sản phẩm thịt heo có thể cạnh tranh và phát triển bền vững trước lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Chi cục Thú ý các tỉnh, thành hỗ trợ phối hợp Sở Công thương, Hội Công nghệ cao, Chi cục Thú y TPHCM thực hiện đầy đủ các bước kiểm xuất và kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc theo đúng quy trình của đề án. Ngành nông nghiệp, Chi cục Thú ý và Sở Công thương các tỉnh phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức buổi tập huấn cho các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương nhân mua heo để thực hiện đúng yêu cầu của đề án. Sở Công thương TPHCM chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu, hướng dẫn tập huấn tại các địa điểm khác nhau (như tại tỉnh, các huyện tập trung các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ) theo yêu cầu của từng địa phương.

Trước đó, ngày 31-10-2016, UBND TPHCM có văn bản 1670/UBND - KT gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ thực hiện triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Chương trình chính thức triển khai từ ngày 16-12-2016 tại kênh phân phối hiện đại và hiện đang được vận hành tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ có đầy đủ thông tin về trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhà phân phối và nhà bán lẻ.

Qua quá trình phối hợp triển khai thí điểm, đến nay đề án đã đạt được thành công bước đầu rất khả quan. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 767 cơ sở chăn nuôi của các tỉnh đăng ký tham gia đề án, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai đăng ký 344 cơ sở, Bình Dương 187, Bình Phước 54, Tiền Giang 39, Bà Rịa - Vũng Tàu 25, Trà Vinh 22, TPHCM 24, Bến Tre 17, Tây Ninh 15, Bình Thuận 15, Long An 10, Lâm Đồng 7, Đồng Tháp 3, Đắk Nông 1, Vĩnh Long 1, Hậu Giang 1.

Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi, đề án cũng đang được áp dụng tại 385 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại  (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…) và 140 gian hàng tại 23 chợ truyền thống. Từ ngày 1-3-2017, đề án chính thức triển khai tại 2 chợ đầu mối thịt heo của TPHCM, trong đó chợ Hóc Môn mỗi ngày cung cấp từ 4.500 - 4.700 con và chợ Bình Điền từ 2.300 - 2.500 con/ngày, chiếm khoảng 60%-70% tổng lượng heo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của TPHCM. Đến ngày 15-3-2017, đề án truy xuất đã mở rộng đến hệ thống phân phối hiện đại tại 36 cơ sở kinh doanh của Co.opmart, Co.opFood, AeonCitimart, SatraFood, Aeon Mall, Auchan tại các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ.

Hai Miền

Tin cùng chuyên mục