TPHCM cần cơ chế để giải phóng tiềm năng

Hôm nay, 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, về các yêu cầu bức thiết đặt ra để giải phóng tiềm năng, thúc đẩy TPHCM phát triển.

                                               

 Quận 7, TPHCM hiện nay Ảnh: VIỆT DŨNG
Quận 7, TPHCM hiện nay Ảnh: VIỆT DŨNG
Điều kiện chín muồi
* Phóng viên: Thưa TS, nhìn lại quá trình vận động và phát triển của TPHCM sau hơn 30 năm đổi mới, thì việc cần những cơ chế đột phá sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của TPHCM trong bối cảnh hiện nay? 
* TS TRẦN DU LỊCH: Nhìn lại quá trình hơn 30 năm đổi mới, TPHCM đã có những thành tựu nổi bật, là đầu tàu về đóng góp phát triển của cả nước. TPHCM không chỉ đạt thành tựu phát triển cho riêng mình mà các hoạt động kinh tế của TP còn có sức lan tỏa, tác động tích cực đến sự phát triển của vùng TPHCM và cả nước. Không chỉ đóng góp với tỷ lệ lớn về GDP và ngân sách cho cả nước, TP còn đóng góp rất lớn vào quá trình hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã định hướng vị trí, vai trò của TPHCM; đặc biệt là định hướng xây dựng TPHCM thành một đô thị văn minh, hiện đại và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đồng thời phát huy thế mạnh của TPHCM trong quan hệ cả nước cũng như các nước trong khu vực. Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 20 vào năm 2007, Bộ Chính trị đã đưa ra một chủ trương rất quan trọng là những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TPHCM đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp thì Chính phủ cho phép TPHCM thí điểm.
Đây là một chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa chủ trương còn những hạn chế. Sau đó, năm 2012, khi Bộ Chính trị đánh giá Nghị quyết 20 và ban hành Nghị quyết 16 có những nhận định tuy còn bất cập song TPHCM đã phát triển đúng hướng và yêu cầu cần giữ hướng phát triển đó đến năm 2020. Bộ Chính trị cũng đánh giá, trước đây Nghị quyết 20 đã “cởi trói” nhiều nội dung cho TPHCM nhưng thực tế chưa được thực hiện nhiều, nhất là một số cơ chế, chính sách thí điểm. Mới đây, tháng 10-2017, Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và đưa ra định hướng phát triển đến năm 2020, trong đó yêu cầu TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16. Đặc biệt, Bộ Chính trị đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ và TPHCM ban hành một nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM. Tức là cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của TP.
* TS có thể nói rõ hơn về cơ hội cũng như điều kiện chín muồi về xây dựng cơ chế thí điểm để thúc đẩy TPHCM phát triển?
Trước đây, Bộ Chính trị cho phép TPHCM được thí điểm những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TPHCM đặt ra trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn vì liên quan đến nhiều vấn đề. Ví dụ, năm 2007, TPHCM đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị để việc quản lý một siêu đô thị như TPHCM phù hợp hơn. Thực chất, mô hình này là cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp hành chính trong nội bộ của TPHCM. Nhưng đề xuất này chưa được thông qua do vướng các quy định của Hiến pháp và nhiều quy định khác.
Thời điểm hiện nay, Hiến pháp năm 2013 đã mở, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng mở hướng để thực hiện theo mô hình (chính quyền đô thị - PV) như tôi đã nói trên. Ngoài ra, gần đây, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tổ chức bộ máy cũng nêu một quan điểm về việc tổ chức nền hành chính, bộ máy hành chính hiệu quả. Như vậy, đòi hỏi thực tiễn đặt ra từ nhiều năm qua và đến nay, về mặt pháp lý và quan điểm là tương đối thuận lợi để các đề xuất của TPHCM được xem xét, thông qua.
Chủ động nhưng vẫn đảm bảo tính giám sát
* Như vậy, những điểm cơ bản cần giải quyết về cơ chế, chính sách tạo động lực cho TPHCM phát triển vì cả nước là gì, thưa TS?
TPHCM với quy mô là một siêu đô thị và quá trình đô thị hóa nhanh chóng thì những bất cập lớn đã được thấy rõ. Chẳng hạn bất cập về cơ sở hạ tầng, ngân sách đầu tư hiện chỉ đảm bảo 20% nhu cầu nên cần huy động nguồn lực xã hội… Nghĩa là cần có cơ chế tạo điều kiện cho tự chủ TPHCM để huy động nguồn lực xã hội về tài chính. TPHCM không xin, thay đổi tỷ lệ, chế độ điều tiết tỷ lệ ngân sách từ Trung ương mà xin cơ chế làm sao với tỷ lệ điều tiết như vậy, nhưng TPHCM huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ cho nhu cầu phát triển. Điều đó không chỉ có lợi cho TPHCM mà còn có lợi chung cho cả nước.
Ngoài ra, hiện nay có một số vấn đề bất cập thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Để giải quyết các vấn đề này thì cần cơ chế phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TPHCM thực hiện, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục. Việc phân cấp, phân quyền tạo điều kiện cho TPHCM chủ động hơn nhưng vẫn đảm bảo quyền giám sát, kiểm tra công vụ của Chính phủ; đồng thời giúp nâng vai trò giám sát của HĐND TP.
Bên cạnh đó, luật pháp hiện đang đóng khung về các loại thuế, phí, lệ phí. Và đương nhiên, TPHCM không được đặt ra thêm các loại phí, lệ phí cũng không được đặt ra một sắc thuế mới. Các loại phí, lệ phí này có thể là phí liên quan đến các công trình cao tầng, xử lý ô nhiễm… rất cần thiết trong việc quản lý một đô thị lớn. Thế nhưng trong danh mục phí, lệ phí hiện hành lại không có. Lần này, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xin ý kiến về một số phí, lệ phí, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, theo sự đề xuất của TPHCM và Chính phủ mà không cần chờ đến kỳ họp Quốc hội mới sửa luật như hiện nay.
Còn một vấn đề khác rất quan trọng, đó là việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo chủ trương chung, một việc thì một cấp làm, không chồng lắp về công vụ; công chức thì có công vụ rõ ràng, một người làm nhiều việc chứ không để một việc nhưng 2-3 người làm. Muốn vậy, TPHCM cần được phân quyền cho quận - huyện rồi quận - huyện phân quyền cho phường - xã, nhất là cấp xã để tăng tính tự chủ. Gắn với cải cách bộ máy như đã nêu là chế độ đãi ngộ công chức, viên chức. Vì vậy TPHCM xin Trung ương cơ chế, cho phép HĐND TPHCM đặt ra một số đãi ngộ ngoài hệ thống lương thống nhất. Như vậy, TPHCM không làm riêng mà vẫn áp dụng thống nhất theo cả nước về hệ thống ngạch bậc lương; đồng thời bổ sung một số phụ cấp bằng ngân sách địa phương cho phù hợp với công việc. Có như thế mới góp phần bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức và góp phần chống nhũng nhiễu cũng như tinh giản bộ máy.
* Nhưng thực tế thời gian qua trong từng trường hợp cụ thể khi gặp vướng mắc, TPHCM vẫn có thể đề xuất và được Thủ tướng tháo gỡ, thưa TS?
Lâu nay có nhiều vấn đề trong lĩnh vực đất đai, đầu tư…, TPHCM phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tuy đây là từng sự vụ cụ thể nhưng lại phải lấy ý kiến các bộ ngành theo quy trình, mất thời gian. Việc giải quyết cho tổ chức, cá nhân không kịp thời vì thế làm mất đi nhiều cơ hội. Như vậy, thay vì tháo gỡ từng vụ việc chúng ta xây dựng một cơ chế chung để TPHCM chủ động thực hiện nhưng vẫn đảm bảo sự giám sát của Chính phủ. Có như vậy mới  tạo điều kiện thúc đẩy TPHCM tăng trưởng nhanh hơn, phát huy tốt vai trò đầu tàu.
Lâu nay, chúng ta thường nói, TPHCM chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế thì bây giờ phải tạo điều kiện để TPHCM khai thác hết tiềm năng, lợi thế của mình. Nếu chúng ta không giải quyết thì các bất cập, khó khăn sẽ tích tụ và dần dần TPHCM mất dần lợi thế phát triển, gây ảnh hưởng chung cho cả nước, chứ không phải riêng của địa phương.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy, TPHCM là nơi thí điểm nhiều chính sách kinh tế mới trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam. Thực tiễn hiện nay tiếp tục đòi hỏi cần đổi mới, nên tôi cho rằng việc tiếp tục xây dựng cho TPHCM các chính sách thí điểm là cần thiết. Từ việc thí điểm này, sau 5 năm thí điểm, chúng ta có thể điều chỉnh, hoàn thiện các quy định của pháp luật để áp dụng cho nhiều đô thị, chứ không chỉ riêng cho TPHCM.
* Xin cám ơn TS! 
 Đầu tư công ở TPHCM tác động đến GDP và thu ngân sách cả nước

Vai trò đầu tàu của TPHCM được phản ánh qua nội lực kinh tế vượt trội của TPHCM và sức lan tỏa, dẫn dắt phát triển của TPHCM đối với vùng TPHCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long và nền kinh tế cả nước.
Trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam một phần đáng kể được tạo ra bởi các hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM. Theo đó, năm 2016, giá trị GDP cả nước khoảng 4,5 triệu tỷ đồng thì TPHCM đóng góp 1,02 triệu tỷ đồng, tương đương 22,6%.
TPHCM cũng đóng góp hơn 307 ngàn tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước trong năm 2016.
Theo tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam, nếu đầu tư công cho TPHCM giảm 10% sẽ gây tác động lan tỏa theo hướng tiêu cực ở các chiều cạnh tranh như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM và GDP của Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo sẽ giảm lần lượt là 1,3% và 0,6%; thu ngân sách ở giai đoạn tiếp theo sẽ giảm 2,6%.
Ngược lại, nếu đầu tư công cho TPHCM tăng 10% sẽ tác động lan tỏa theo hướng tích cực như GRDP của TPHCM và GDP của Việt Nam tăng lần lượt là 1,5% và 0,8%; đồng thời thu ngân sách sẽ tăng khoảng 3%.
Như vậy, với mức tác động lan tỏa hiện nay, một sự thay đổi nhỏ trong đầu tư công của TPHCM sẽ tác động lớn không chỉ đến kết quả tăng trưởng của TPHCM mà còn dẫn đến tác động đến tăng trưởng của cả nước lẫn thu ngân sách của Trung ương.

Tin cùng chuyên mục