Phản hồi ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính phản ánh là khi thực hiện một số kết luận kiểm toán trong giai đoạn 2013-2018, cơ quan thuế bị kiện ra tòa thì trong 10 vụ đã xử, cả 10 vụ cơ quan thuế đều thua (cơ quan thuế phải thực hiện kết luận kiểm toán, song theo quy định hiện hành, đơn vị chấp hành chỉ có thể kiện cơ quan thuế mà không thể kiện Kiểm toán - PV), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tỏ ra “bất ngờ”.
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong 13 vụ kiện đã được thụ lý (đã xử 10 vụ) thì một vụ tòa bác đơn kiện, một vụ kiểm toán kiến nghị cơ quan quản lý thuế kiểm tra, thanh tra xử lý theo quy định và kết quả thanh tra thuế khiến đơn vị được thanh tra không phục nên kiện thanh tra thuế.
Còn lại 11 vụ thì Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại cơ quan thuế, chứ không trực tiếp đối chiếu với doanh nghiệp, chỉ kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra làm rõ, xử lý.
“Nghĩa là các bằng chứng của kiểm toán không phải từ doanh nghiệp, nên nói kết luận kiểm toán sai khiến doanh nghiệp kiện là hoàn toàn không đúng” – ông Hồ Đức Phớc nói và dẫn chứng hai trường hợp cụ thể là vụ truy thu thuế tại Sabeco và Unilever.
Theo đó, kết luận đầu tiên của Kiểm toán Nhà nước với Unilever là đề nghị truy thu 882 tỷ đồng trên cơ sở kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế. Sau đó làm việc với DN thì Unilever không cung cấp được bằng chứng và ủy quyền cho công ty tư vấn quốc tế.
Kiểm toán Nhà nước đã mời các bên đến làm việc để đánh giá hồ sơ nhưng các bên không cung cấp được bằng chứng. Sau một thời gian rất dài, sau khi có ý kiến của Ủy ban TC-NS của Quốc hội yêu cầu tiếp tục làm lại thì lúc đó doanh nghiệp mới cung cấp hồ sơ bổ sung. Ông Hồ Đức Phớc nêu rõ: “Ba bên xác nhận lại là 575 tỷ đồng, doanh nghiệp chấp nhận phải nộp 316 tỷ đồng và phần còn lại thì không cung cấp được bằng chứng”.
“Kết luận của kiểm toán phải minh bạch, khiến doanh nghiệp tâm phục khẩu phục”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Với trường hợp Sabeco, từ khi phát hiện hành vi chuyển giá, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị và phối hợp với Thanh tra Chính phủ yêu cầu Sabeco nộp 4.700 tỷ đồng và doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách đầy đủ. Số còn lại là tiền phạt chậm nộp mà cơ quan thuế chưa phạt và bị “treo” lại.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: “Khi vào kiểm toán (thời điểm đó chưa bán cho Thái Lan) thì Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện khoản chưa chia 2.700 tỷ đồng nên kiểm toán yêu cầu phải chia khoản này”.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trước khi Sabeco được bán, cũng không đưa ra quyết định việc chia lại khoản lợi nhuận trước thuế này. Sau đó Bộ Công Thương có văn bản giải trình, cho rằng đây là khoản dự phòng đề phòng việc Tổng Cục thuế ra quyết định phạt chậm nộp của Sabeco hay không. Nếu phạt chậm nộp thì lấy khoản này để nộp.
Sau này bán Sabeco thì bán cả gốc cả ngọn, gồm cả khoản 2.700 tỷ đồng. Giờ mới sinh ra chuyện thực hiện kiến nghị kết luận Kiểm toán Nhà nước và xử phạt Sabeco. Tóm lại, Kiểm toán Nhà nước kết luận đúng và đầy đủ bằng chứng tại thời điểm kiểm toán, chứ không có gì sai”, ông Hồ Đức Phớc kiên định quan điểm.