Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan Văn Đức Mười: Nên có khung giá trần cho hàng bình ổn

Tối 31-3 vừa qua, TPHCM tổ chức lễ tổng kết 15 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) giai đoạn 2002-2017, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả CTBOTT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017 - 2022. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Văn Đức Mười (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan, về chặng đường 15 thực hiện chương trình cùng những suy nghĩ, trăn trở và kiến nghị để chương trình mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn mới.

Tối 31-3 vừa qua, TPHCM tổ chức lễ tổng kết 15 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) giai đoạn 2002-2017, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả CTBOTT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017 - 2022. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Văn Đức Mười (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty CP Vissan, về chặng đường 15 thực hiện chương trình cùng những suy nghĩ, trăn trở và kiến nghị để chương trình mang lại hiệu quả cao hơn trong giai đoạn mới.

Bệ phóng từ Chương trình Bình ổn thị trường

- PHÓNG VIÊN: Là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên tham gia, ông nhìn nhận thế nào về CTBOTT tại TPHCM?

- Ông VĂN ĐỨC MƯỜI: BOTT đã trở thành một trong những chương trình mang thương hiệu rất riêng của TPHCM. Chương trình đã tạo sức lan tỏa, sức hút mạnh mẽ và quy tụ được số lượng lớn DN chủ lực của TPHCM tham gia. Bản thân DN tham gia cũng được hưởng lợi về nhiều mặt; trong đó, sự tín nhiệm từ chương trình đã tác động rất lớn đến các DN, đến hoạt động sản xuất và “bộ mặt” thị trường tại TPHCM đã có sự chuyển biến khá rõ nét.

Trong những năm đầu, chương trình chỉ thực hiện vào dịp tết, thông qua việc cho DN vay vốn từ ngân sách với lãi suất 0% để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho chương trình. Đến năm 2012 đã chấm dứt việc hỗ trợ vốn để chuyển sang phương thức mới là đưa ngân hàng, các tổ chức tín dụng vào chương trình để cung cấp vốn với lãi suất phù hợp cho các DN có nhu cầu. Đây là cách làm vô cùng sáng tạo của TPHCM trong quá trình thực hiện, vận hành và điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp với hội nhập kinh tế. Đến nay, nhiều DN cũng đã đủ sức để phát triển nhờ bệ phóng từ CTBOTT.

- Đó là thành công, ông có thể chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện?

- Theo tôi, chương trình nào cũng có 2 mặt của nó. Hạn chế từ chương trình, đó là chưa có sự đồng nhất về cách quản trị, điều hành. Cụ thể là cách xác định về giá bán hàng bình ổn, thế nào là giá định hướng, đòi hỏi DN mang sứ mệnh “bình ổn” và các đơn vị quản lý phải hiểu một cách tương đối để cùng thực hiện. Nhưng đáng tiếc, vẫn xuất hiện cách vận dụng còn cứng nhắc về giá, khiến DN gặp nhiều khó khăn.

- Ông nói rõ hơn về vấn đề này?

- Lâu nay, cách tính giá hàng BOTT được DN xây dựng dựa trên giá nguyên liệu đầu vào nhưng phải đảm bảo tiêu chí thấp hơn giá bán cùng chủng loại sản phẩm trên thị trường từ 5% - 10%. Với mặt hàng thịt heo thì áp dụng giá theo kiểu này là khập khiễng. Giết mổ thủ công áp dụng thuế khoán, không đầu tư máy móc thiết bị, cơ sở vật chất. Nói cách khác, không thể lấy giá thịt heo bán ngoài chợ để buộc DN phải liên tục kéo giảm giá xuống cho phù hợp cơ chế của chương trình. Điều này đã làm cho toàn bộ sản phẩm thịt tươi sống của Vissan không có lãi.

Chúng tôi cũng đã từng nhiều lần tranh luận với cơ quan chức năng trong việc so sánh, đối chiếu về giá thịt heo của Vissan với giá bán ngoài chợ là không công bằng. Không thể lấy giá bán một miếng thịt được nuôi trong trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP, có phân tích định tính tỷ lệ mỡ, nạc, giết mổ trong dây chuyền công nghiệp so với thịt heo bán trên thị trường, giết mổ thủ công, thậm chí là giết mổ lậu.

Chỉ bình ổn nhóm hàng thiết yếu

- Trong giai đoạn mới, CTBOTT nên được thực hiện theo cách nào, thưa ông?

- Theo tôi, đầu tiên là phải lựa chọn các DN có tiềm lực thực sự làm “xương sống” cho chương trình. Đặc biệt, các DN tham gia CTBOTT phải tuân thủ tốt các tiêu chí về chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tiêu chuẩn về công nghiệp phải khác tiêu chuẩn về thủ công để tránh sự nhầm lẫn và đánh đồng về chất lượng và giá cả. Nếu làm được việc này, các DN muốn tham gia phải tự động nâng chất lượng sản phẩn lên tầm cao hơn.

Về giá bán, nên đưa ra khung giá trần ở mỗi chủng loại sản phẩm. Nói cách khác, nên đặt ra khung giá để các DN có thể linh hoạt điều chỉnh trong cái khung đó. Ví dụ, ở mặt hàng thịt heo, giá heo hơi đầu vào là A thì giá đầu ra phải là B, tức từ A sẽ dẫn tới B, chứ không nên cột DN vào tình trạng là mỗi khi giá heo hơi tăng hay giảm thì phải làm giải trình rồi mới được điều chỉnh giá, rất mất thời gian, vô tình sẽ tạo cơ chế xin - cho về giá.

Về chủng loại hàng hóa bình ổn, nên chắt lọc việc BOTT đối với nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, gạo và một số mặt hàng khác, không nhất thiết thực hiện đại trà như thời gian gần đây.

- Ông nói gì về tâm tư, suy nghĩ và cả những trải nghiệm của mình sau 15 năm thực hiện CTBOTT?

- Nhìn lại chặng đường đã qua, cá nhân tôi thấy có rất nhiều kỷ niệm vui, cũng như nhiều bài học được đúc rút để làm tròn vai của một DN chủ lực trong chương trình. Vissan tham gia BOTT là tự giác và tự đưa ra cho mình một sứ mệnh. Vissan đã chấp hành rất nghiêm và triệt để các quy định từ chương trình. Có rất nhiều vướng mắc, những cuộc tranh luận quyết liệt nhưng khó khăn gì cũng phải tháo gỡ vì đó là mệnh lệnh từ thị trường, vì mục tiêu chung của TP.  Điều quan trọng là Vissan đã nói lên tiếng nói của vốn nhà nước chi phối trong thị trường. Nếu không phải vốn nhà nước thì Vissan không thể làm được. Chẳng hạn, về giá hàng bình ổn luôn bị áp đặt nhưng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn so với vị trí hiện nay Vissan đã cổ phần hóa. Mọi quyết định của tổng giám đốc đều phải xin ý kiến của hội đồng quản trị, không thể tự quyết định như trước nữa.

Từ CTBOTT, Vissan đã xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Chính trong thời điểm khó khăn nhất, Vissan chấp nhận hy sinh lợi nhuận để tăng sản lượng và chính sản lượng đã bù đắp vào lợi nhuận, tạo nên thương hiệu Vissan. Kết quả đấu giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua lên đến 126.000 đồng/cổ phiếu cũng nói lên giá trị của Vissan được hun đúc từ chương trình. Giá trị cốt lõi của Vissan cũng được nâng lên qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động đã làm tăng thêm sứ mệnh cho Vissan vì khi công ty tiêu thụ được nguồn heo hơi, cũng đồng nghĩa thúc đẩy toàn bộ quy trình chăn nuôi phát triển. Vissan BOTT không chỉ ở phương diện giá cả, mà còn ở góc độ chất lượng vì 100% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường đều đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các vùng nguyên liệu cung ứng cho Vissan từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM); tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã thay đổi. Toàn bộ quy trình sản xuất của Vissan đã được cân đong đo đếm một cách kỹ lưỡng bằng các bộ tiêu chuẩn, được tính toán qua các máy đo về chỉ số và trả tiền cho đối tác bằng tài khoản, giúp Vissan cũng thay đổi cả về quy cách quản trị DN.

Cá nhân tôi kỳ vọng, cả nước sẽ có nhiều DN làm theo cách của Vissan để ngành chăn nuôi thay đổi. Và như vậy, CTBOTT đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, không phải chỉ bình ổn về giá cả mà còn đòi hỏi DN phải không ngừng lớn mạnh để cung ứng một lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao.

- Xin cảm ơn ông!


Thúy Hải (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục