Trước thực tế này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM xung quanh vấn đề xử lý rác thải hiện nay và trong tương lai.
* Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về sự gia tăng khối lượng rác thải tại TPHCM trong thời gian tới?
- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TPHCM có rất nhiều loại và tùy loại rác khác nhau sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, với rác thải sinh hoạt, TP tiếp nhận và xử lý khoảng 8.800 tấn/ngày, chất thải công nghiệp khoảng 1.600 tấn/ngày, chất thải nguy hại 430 tấn/ngày, chất thải rắn y tế 22 tấn/ngày và bùn thải khoảng 2.700 - 3.700 m3/ngày.
Trong đó, rác thải sinh hoạt và bùn thải được xử lý phần lớn bằng biện pháp chôn lấp tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh; số ít được tái chế thành phân compost tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi. Bộ TN-MT đã cấp phép cho 12 cơ sở trên địa bàn TP đủ điều kiện tiếp nhận và xử lý các loại chất thải khác. Với chất thải y tế, UBND TP đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chịu trách nhiệm thu gom và xử lý tại công trường xử lý chất thải Đông Thạnh.
* Trên thực tế, lượng rác thải phức tạp, lại tăng nhanh theo thời gian đã gây ra những tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường sống của người dân TP. Vậy sở đã có biện pháp nào để khắc phục cũng như quản lý tốt hơn vấn đề này trong năm 2018?
- Năm qua đã có một số sự cố môi trường phát sinh, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân TP. Tuy những sự cố trên đã nhanh chóng được khắc phục, song để không tái lập tình trạng đó trong năm 2018, Sở TN-MT tập trung huy động lực lượng, phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường đối với tất cả các hoạt động sản xuất làm phát sinh chất thải rắn, lỏng, khí trên địa bàn TP. Thực hiện công tác quan trắc môi trường thường xuyên, đặc biệt tại các khu vực thường phát sinh ô nhiễm như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu xử lý chất thải…
Riêng với chất thải rắn, Sở TN-MT đang trình UBND TPHCM đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, ban hành các quy định chuyên ngành về quản lý chất thải rắn thông thường, phân loại rác tại nguồn, quản lý nghĩa trang... kết hợp hướng dẫn và triển khai kế hoạch thu gom vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn TP; hỗ trợ 24 quận, huyện triển khai công tác đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển rác thải; rà soát, bổ sung định mức trong công tác quản lý chất thải rắn; xây dựng phương thức tổ chức thực hiện thu giá dịch vụ đối với thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung chương trình trọng điểm về giảm ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, sở đặt mục tiêu, trong năm nay sẽ hoàn tất thủ tục, nguồn vốn doanh nghiệp và bắt đầu triển khai việc chuyển đổi công nghệ tại các nhà máy xử lý rác hiện hữu.
* Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt hiện vẫn đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Biện pháp này khó tránh không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Vậy sở có giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho môi trường sống của người dân?
- Lãnh đạo TPHCM rất lưu tâm về vấn đề này. Do vậy, vào cuối năm 2017, sở đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện dưới sự chủ trì của Thành ủy, UBND TP. Hội nghị thu hút hơn 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký tham gia đầu tư xử lý chất thải rắn tại TP.
Hiện sở đang tìm hiểu và đánh giá năng lực, công nghệ xử lý chất thải của các nhà đầu tư này. Sơ bộ cho thấy, công nghệ xử lý rác thải mà các nhà đầu tư đã đưa ra rất đa dạng và hiện đại, như xử lý rác thải với công nghệ khí hóa bằng dòng plasma, khí hóa, đốt phát điện, nhiệt phân chất thải... Để nhanh chóng đưa các công nghệ này vào thực tế, thực hiện mục tiêu giảm thiểu xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp xuống còn 20% vào năm 2025, TP đang chuẩn bị các bước thực hiện để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
* Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất của họ là không được minh bạch về tiêu chí và giá xử lý rác thải đô thị. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Với vai trò tham mưu cho lãnh đạo TP những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung và xử lý rác thải đô thị nói riêng, Sở TN-MT đã xây dựng bộ tiêu chí cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu xử lý rác thải đô thị. Trong đó, đặt trọng tâm là tiêu chí công nghệ và thiết bị phải hiện đại, tái tạo năng lượng, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp... Tiếp theo là các tiêu chí chấm điểm về năng lực tài chính, đơn giá xử lý, suất sử dụng đất, đóng góp cho xã hội… Hiện tại bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã được Sở TN-MT gửi đến các sở ngành khác góp ý xây dựng để hoàn thiện trình UBND TP và gửi các bộ ngành để lấy ý kiến trước khi công bố công khai.
* Vậy những đơn vị đang xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp hoặc tái chế thành phân compost có phải chuyển đổi công nghệ xử lý không, thưa ông?
- Mục tiêu đã được xác định rõ là phải chuyển đổi hoạt động xử lý rác thải sang công nghệ hiện đại, giảm tỷ lệ chôn lấp vào năm 2020 còn 50% và đến năm 2025, tối đa chỉ còn 20%. Điều này đòi hỏi các đơn vị đang xử lý chất thải cũng phải chuyển đổi công nghệ xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu mới của TP. Do vậy, sở đã làm việc với các đơn vị liên quan nhằm định hướng và hỗ trợ các đơn vị này chuyển đổi công nghệ xử lý. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị xử lý rác hiện hữu là Công ty CP VietStar, Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đang thực hiện các bước để cải tạo, nâng cấp nhà máy, đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại. Trong đó, các đơn vị sẽ chuyển đổi tập trung chủ yếu vào công nghệ nhiệt phân, đốt phát điện, khí hóa lỏng CNG.