Trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 19-3, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh đã đăng đàn trả lời chất vấn về một số nội dung chính như hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng KH-CN thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Dự phiên chất vấn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.
"Làm sao để thương mại hoá kết quả nghiên cứu, chấm dứt tình trạng các nghiên cứu nằm yên trong ngăn kéo" là câu hỏi được đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu ra cho người đứng đầu Bộ KH-CN.
Thừa nhận đây là “một hạn chế xuyên suốt”, là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành KH-CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ KH-CN đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hành lang pháp lý; quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa KH-CN gắn kết và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối giữa viện, trường với doanh nghiệp để chuyển giao, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Có cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thẳng thắn: “Không phải đến bây giờ mới có chuyện đề tài đút ngăn kéo. Tôi không phủ nhận cố gắng của các Bộ, nhưng thực sự vẫn còn sự lãng phí rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội, rất nhiều đề tài không có tính ứng dụng”.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng chất vấn: “Hàng năm, Bộ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho nghiên cứu khoa học? Hiệu quả như thế nào”?
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cam kết sẽ quan tâm đến việc xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể, thiết thực hơn. Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho KH-CN, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2016, trong tổng kinh phí dành cho hoạt động KH-CN, nguồn chi từ doanh nghiệp đã tăng lên tới 48%. Một số doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn cho KH-CN như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia...
Được mời giải trình làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KH-CN được đảm bảo ở mức trên 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
“Không chỉ được đầu tư nhiều hơn, mà cơ chế thanh quyết toán cũng đơn giản hơn, không còn bị kêu ca phàn nàn như trước nữa. Chúng tôi nói vui "món quà" tặng đồng chí nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân ngay trước khi nghỉ hưu là một thông tư liên tịch về vấn đề này theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, đặt niềm tin nhưng đồng thời trao trách nhiệm lớn hơn cho các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ.